Băn khoăn mục tiêu GDP bình quân đầu người Việt Nam đến 2050 đạt 32.000 USD

247

Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2050, thu nhập bình quân đầu người đạt 27.000-32.000 USD. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu này.

Sáng nay (6/1), Quốc hội thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lần trình Quy hoạch tổng thể quốc gia này, Chính phủ đã đưa ra quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển cũng như các giải pháp cụ thể… Góp ý về hồ sơ, các đại biểu cho rằng đây là nhiệm vụ rất phức tạp và cấp bách song còn nhiều nội dung cần hoàn thiện, đánh giá kỹ, không thể vội vàng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn đại biểu Cần Thơ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu năm 2030 sẽ đạt GDP bình quân đầu người ở mức trung bình cao, khoảng 7.500 USD.

Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD, tức là trong 20 năm thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7.500 USD tới 32.000 USD, gấp 4 lần.

Đại biểu Hùng nêu băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu nêu trên. Bởi theo ông, vượt qua bẫy trung bình đã khó, còn vượt xa như vậy sẽ là thách thức. Trong khi đó, đặt ra được mục tiêu khả thi thì mới tính toán được các bước đi, giải pháp tiếp theo, còn nếu mục tiêu không khả thi thì các bước đi sẽ gặp khó khăn.

“Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới năm 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050”, ông Hùng nói.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, các mục tiêu đưa ra phấn đấu đến năm 2030 trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đưa ra khá cao. Do đó, cần phải xem xét tính thực tế và khả thi của các mục tiêu cũng như các kịch bản tăng trưởng đặt ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố bất định, khó lường như chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát, biến đổi khí hậu, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Đây sẽ là những yếu tố đầu vào then chốt, tác động đến con số của các kịch bản nêu ra…

Đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn đại biểu An Giang băn khoăn về chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đặt ra tại quy hoạch tổng thể (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn đại biểu An Giang cũng băn khoăn khi quy hoạch tổng thể đặt mục tiêu đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế mức bình quân 7%, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD.

Theo ông Sinh, GDP bình quân đầu người hiện mới chỉ đạt hơn 4.000 USD. Đại biểu tính toán, nếu Việt Nam tăng trưởng kinh tế ở mức 7% thì GDP bình quân đầu người giai đoạn 2021-2030 chỉ khoảng hơn 6.000 USD. Với mục tiêu này, ông đề nghị cơ quan lập quy hoạch tính toán lại trong tương quan tăng trưởng toàn nền kinh tế.

Đại biểu Sinh cho rằng, chỉ khi đánh giá kỹ thực trạng hiện nay thì mới có những giải pháp phù hợp, khắc phục được những điểm cản trở, đáp ứng được quy hoạch, không sẽ phải điều chỉnh lại, kế hoạch bị phá vỡ.

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh cũng lo ngại, quy hoạch nếu không cẩn thận sẽ là lực cản cho sự phát triển. “Các địa phương hiện nay rất năng động, sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ, vượt xa nhiều điểm trong này. Nếu còn băn khoăn thì nên tổ chức lấy ý kiến nhiều hơn, sâu hơn, nếu thông qua ngay đợt này sợ còn phải điều chỉnh”, ông Sinh góp ý.

Nêu quan điểm về phần phát triển hạ tầng, ông Sinh cho biết, khi xem hồ sơ thấy thông tin số liệu để đánh giá quy mô chất lượng từng ngành, vùng, từng lĩnh vực, tính liên kết các khu vực chưa được tốt lắm. Điểm này cần bổ sung để tạo sự liên kết chung của quốc gia. Ông nhấn mạnh, không để xảy ra tình trạng phát triển manh mún, cạnh tranh nhưng làm triệt tiêu sự phát triển chung.

Góp ý về tổ chức không gian vùng ĐBSCL, đại biểu cho biết có quy hoạch trọng điểm nhưng “chưa thấy trọng điểm đâu”. Việc tổ chức không gian các vùng trọng điểm, theo ông Sinh, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn. Làm sao đó cần có giải pháp chi tiết đi kèm, để quy hoạch thực sự thành động lực phát triển, ông Sinh nhấn mạnh.

Nêu quan điểm, đại biểu Hoàng Hữu Chiến, đoàn đại biểu An Giang thắc mắc với mục tiêu đến năm 2030 chúng ta mở tới 63 cửa khẩu biên giới đất liền. “Tôi nghĩ rằng đây là số liệu cần tính toán, bởi mở được cửa khẩu hay nâng cấp lên thì quy trình rất phức tạp”, ông Chiến nói.

Theo đại biểu, để đạt được sự đồng thuận của 2 bên sẽ rất mất thời gian, nhanh cũng phải 2-2,5 năm. Nếu chúng ta quy định cứng về con số thì rất khó trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu nói.

Còn đại biểu Lã Thanh Tân, đoàn đại biểu Hải Phòng đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu thể hiện mức độ phát triển của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới như: chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc nhóm 40 nước đứng đầu thế giới; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; hoàn thành xây dựng Chính phủ số thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN.

Trước đó, trình Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.

Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao đứng hàng đầu thế giới, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại. Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Còn mục tiêu phát triển đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại.