Quý đầu năm nay, xuất khẩu cá tra tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ở hầu hết các thị trường XK lớn, giá trị XK cá tra đang tăng trưởng dương từ hai tới ba con số và xu hướng lạc quan này được dự báo sẽ tiếp tục trong quý II khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định do giá cạnh tranh.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) cá tra những tháng đầu năm 2022 hồi phục mạnh, riêng tháng 3 đạt 261 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng 3 tháng đầu năm nay, XK cá tra Việt Nam đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 27% tổng giá trị XK thủy sản Việt Nam.
Quý đầu năm nay, bức tranh XK cá tra có nhiều khởi sắc. Trong đó, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc đã tăng trở lại, riêng tháng 3 đạt 97,5 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này quý I/2022 đạt 183,4 triệu USD, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo xu hướng này còn khả quan hơn nữa ít nhất trong quý II.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: CK
XK cá tra sang thị trường Mỹ cũng tăng trưởng tốt. Sau khi kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá của kỳ xem xét thứ 17 (POR17) được công bố, các doanh nghiệp (DN) cá tra không bị áp thuế đang đẩy mạnh XK sang thị trường này.
Tính đến hết tháng 3/2022, XK cá tra sang Mỹ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123%. Hiện nay, tình trạng lạm phát đang diễn ra ở Mỹ do chuỗi cung ứng đứt gãy và tác động của khủng hoảng Ukraine, giá cả tăng chóng mặt, nhu cầu nhu yếu phẩm, trong đó có thực phẩm, thủy sản tăng mạnh nên sắp tới là cơ hội tốt cho các DN XK cá tra đông lạnh sang thị trường này.
Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở châu Âu khi giá cả tăng vọt do thời gian qua chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhu cầu bùng nổ. Lần đầu sau nhiều năm giảm sút, XK cá tra Việt Nam sang EU quý I/2022 tăng 86,2% so với cùng kỳ khi đạt 46,7 triệu USD. Trong đó, các thị trường lớn trong khối đều tăng mạnh (Hà Lan tăng 86%, Đức tăng 97%, Bỉ tăng 120%, Tây Ban Nha tăng 67%…).
Theo VASEP, dự báo trong quý II/2022, XK cá tra sang các thị trường lớn đều giữ mức tăng trưởng dương. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Ở trong nước, theo tìm hiểu của PV, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn ở mức cao, người nuôi có lãi. Cụ thể như, tại Đồng Tháp (địa phương có sản lượng cá tra lớn nhất cả nước), giá cá tra nguyên liệu từ 31.000 – 32.500 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 4), trong khi chi phí sản xuất trung bình khoảng 24.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, ngành chức năng cũng khuyến cáo, việc thả nuôi cần có kiểm soát, tránh ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu sẽ đưa giá rớt sâu như đã từng xảy ra. Thực tế, người nuôi hiện nay cũng thận trọng hơn vì đã từng ‘nếm trải thất bại’ trước đây…