Theo Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Tài chính có thể cân nhắc giảm thuế, phí xăng dầu để chia sẻ với người dân.
Giá dầu thô tăng, ngân sách cũng cao hơn
Đó là chia sẻ của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) với báo chí sáng 22/2.
Một cây xăng, dầu ở huyện Đăk Glong (Đắk Lắk) đóng cửa
Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ Tài chính khi giảm thuế, phí, về góc độ nguồn thu ngân sách là rất áp lực. Nhưng các chính sách nhà nước cũng cần chia sẻ với người dân. Ở vấn đề xăng dầu chúng ta chưa dùng nguồn lực nhà nước, mà mới chỉ dùng nguồn lực xã hội, quỹ bình ổn để can thiệp. Giá dầu thô tăng cao thì nguồn thu từ đó cho ngân sách cũng cao hơn, vì vậy có thể cân nhắc giảm các yếu tố thuế, phí khác”.
Sở dĩ đưa ra cân nhắc này, theo ông Đông, trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Những tác động này có thể làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh quỹ bình ổn có hạn.
Xăng dầu đủ dự trữ sang tháng 3
Về nguồn cung, lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng đinh: “Nguồn cung ứng đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022 và dự trữ gối đầu sang tháng 3”.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang chạy ở mức 55-60% công suất. Dự kiến trong tháng 3, nhà máy này sẽ cung cấp khoảng hơn 80% so với kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000 m3). Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, nhà máy này sẽ sản xuất 100% công suất.
“Tuy nhiên vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối, đặc biệt trong tháng 5, chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất… Đây là vấn đề sẽ được giải quyết trong thời gian tới”, ông Đông nói.
Song, với quan điểm là không để thiếu xăng, đảm bảo an ninh năng lượng, ông Đông cho biết, các thương nhân đầu mối sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo, nếu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không đảm bảo lượng cung ứng như kế hoạch.
Hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thêm và dự kiến cuối tháng 2/2022 sẽ về khoảng 66.000 m3 xăng dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhập khẩu 300.000 m3 xăng dầu; Công ty Hải Hà nhập khẩu khoảng 90.000 m3 dầu…
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2/2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000 m3, tăng hơn 60% so với các tháng bình thường. Trong những ngày cuối tháng 2, sẽ tiếp tục nhập khẩu về thêm khoảng 600.000 m3.
“Với tình hình cung ứng như vậy, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung – cầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản sẽ ổn định”, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá.
Hơn một tháng qua, giá xăng và dầu liên tục biến động mạnh, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho biết vẫn lỗ 500-800 đồng/lít.
Ngoài khan hiếm nguồn cung, hoạt động kinh doanh thua lỗ cũng khiến nhiều đơn vị treo biển “tạm ngưng bán hàng” hoặc bán nhỏ giọt.
Tình trạng thiếu nguồn cung được các doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tiếp diễn khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa trở lại hoạt động với công suất ổn định.
Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa diễn ra ở hầu hết các tỉnh như Hà Tĩnh, Hậu Giang, Quảng Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Sóc Trăng, TP.HCM…
Số cửa hàng vi phạm với nhiều lý do lên đến con số hàng trăm. Các cửa hàng bị xử phạt hành chính và cũng có cửa hàng bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu.