Cấp tốc tìm đầu ra cho 300.000 tấn thanh long đang vào vụ

316

Các cửa khẩu, đường mòn lối mở của các tỉnh phía Bắc buộc phải đóng cửa bởi chính sách “Zero Covid” từ Trung Quốc. Hiện hàng nghìn xe nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả vẫn ùn ứ ở cửa khẩu, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa.

Sáng 6/1, lãnh đạo Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19.

Chủ đề của diễn đàn là “Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long”, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản thời gian qua.

Theo đó, các cửa khẩu, đường mòn lối mở của các tỉnh phía Bắc buộc phải đóng cửa bởi chính sách “Zero Covid” từ Trung Quốc. Hiện hàng nghìn xe nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả vẫn ùn ứ ở cửa khẩu, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa.

Đầu cầu Hà Nội Diễn đàn kết nối nông sản 970

Các địa phương cũng đã đưa ra những số liệu hết sức lo ngại về lượng rau quả nông sản, đặc biệt là trái cây thanh long đang vào vụ thu hoạch. Theo thống kê ước tính của các tỉnh, hiện có đến 300.000 tấn đang vào vụ và chưa có hướng cụ thể về đầu ra.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu mặt hàng rau, hoa quả vươn lên trở thành một ngành hàng mũi nhọn, năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 3,52 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã ký kết thực thi; các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật và dịch bệnh trên người (Covid-19 bùng phát và lây lan với nhiều biến chủng Delta, Omicron) đang đặt ra yêu cầu, thách thức rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, thanh long nói riêng.

Hiện nay, đối với thị trường Trung Quốc, các loại nông sản đang nhập khẩu với số lượng lớn là xoài, nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít và măng cụt. Trong thời gian tới, thị trường này tiếp tục mở cửa nhập khẩu sầu riêng, chanh leo và khoai lang tím…

Thị trường Hàn Quốc, cũng có nhu cầu với một số loại trái cây như dừa, dứa, chuối, xoài và thanh long ruột trắng, rau salad các loại, rau ôn đới, tỏi ớt. Thị trường Nhật Bản, thanh long đỏ và trắng, xoài và vải; Rau gia vị, tía tô, rau cải bó xôi tươi và đông lạnh…

Trên cơ sở đó ông Hòa khuyến nghị các doanh nghiệp, nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường; Thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Thiết lập cơ chế hợp tác giữa Cơ quan quản lý – doanh nghiệp – người sản xuất nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi cung và sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm…; Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm tại thị trường trong nước và nước ngoài như Hội chợ, Triển lãm và kết nối hệ thống siêu thị.

Áp dụng các quy trình sản xuất như VietGAP, GlobalGAP…, hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường; Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm và nguyên liệu cho ăn tươi và chế biến (tương tự như HACCP); Đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ…

Riêng đối với thanh long, vẫn là mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỷ trọng rất lớn trong xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại phụ trách thị trường Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản cho biết, nhóm nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản có trị giá khoảng 1,6 tỷ đô. Từ năm 2009 Nhật Bản cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, 2017 thanh long ruột đỏ cũng được cấp phép tại Nhật. Ông Minh lưu ý, một số sản phẩm nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang bị phát hiện vi phạm liên quan đến dư lượng, tiêu chuẩn, sai chủng loại… nếu phía Việt Nam không kiểm soát tốt chất lượng sẽ bị cấm xuất khẩu, việc gỡ bỏ lệnh cấm rất mất thời gian.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại phụ trách thị trường Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản trao đổi tại diễn đàn

Đối với đầu ra cho thanh long, ông Minh đề xuất thực hiện những trang quảng bá, giới thiệu nông sản Việt Nam trên các trang thương mại điện tử của Nhật Bản. Bắt đầu từ đầu năm 2022, phối hợp với Bộ NNPTNT có những chương trình quảng bá sản phẩm Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin thêm: Với thanh long, sản lượng của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều. Cụ thể, Quý 1 khoảng 300.000 tấn, Quý II khoảng 150.000 tấn, Quý III khoảng 400.000 tấn, và Quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, Quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng.

Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước.

“Ngoài tập trung cho thanh long, còn cần chủ động những mặt hàng cây ăn quả khác cho các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long”, ông Tùng nhấn mạnh. Qua diễn đàn, đại diện Cục Trồng trọt cam kết quản lý chặt chẽ vùng trồng, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng yêu cầu của các nước xuất khẩu.