Các Cienco giờ trong tay đại gia nào?

289

Trong khi Cienco 1 về tay nhóm Đinh Ngọc Hệ, Cienco4 của nhóm doanh nhân gốc Nghệ Nguyễn Tuấn Huỳnh, Cienco 6 của Thuận Việt Group, Cienco8 của Phúc Lộc Group, thì Cienco5 về với chủ mới Hải Phát Group, và là câu chuyện nổi bật hơn cả.

Năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành cổ phần hoá nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Trong đó có loạt Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) 1, 4, 5, 6 và 8.

Trong đợt IPO cùng diễn ra vào năm 2014, chỉ có cổ phần Cienco1 và 4 được bán hết ngay từ lần đầu chào bán.

Cienco5 cùng cuộc tranh chấp với Cienco5 tại 2 siêu dự án KĐT Thanh Hà và KĐT Mỹ Hưng là câu chuyện đặc biệt hơn cả trong các Cienco. Ảnh: Internet

Cụ thể, vào tháng 3/2014, phiên IPO Cienco1 đã diễn ra thành công khi hơn 16,18 triệu cổ phần đã được bán hết, tổng số tiền thu về là hơn 161 tỷ đồng. Như đã biết, nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới ông Đinh Ngọc Hệ (Út ‘trọc’) tham gia cổ phần hoá từ đầu, và hiện nay vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối tại đây, thông qua CTCP An Hiền (24,6%), CTCP Đầu tư Cái Mép (16,8%), CTCP Thương mại nước giải khát Khánh An (19,2%), Yên Khánh (19,2%), tổng cộng là 90,2%, và các cổ đông khác (10,8%).

Tương tự Cienco1, phiên IPO của Cienco4 cũng diễn ra thành công khi toàn bộ số cổ phần đưa ra đấu giá đã được bán hết với giá bình quân là 14.047 đồng/cổ phần (cao hơn 40,47% so với giá khởi điểm).

Ngoài ra, Cienco4 cũng bán 26,5% cổ phần cho 2 cổ đông chiến lược là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (16,5%) và Ngân hàng SHB (10%). Đến năm 2015, cả Tuấn Lộc và Ngân hàng SHB đều thoái vốn khỏi Cienco4.

Vốn điều lệ tại ngày 31/12/2020 của Cienco4 ở mức 1.000 tỷ đồng, cổ đông lớn gồm: CTCP New Link (20,75%), Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải (14,13%), CTCP Xây dựng Dũng Hưng (10,9%), CTCP Chứng khoán VnDirect (8,15%).

Tháng 5/2021, Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải đã bán 8 triệu cổ phiếu, qua đó chỉ còn nắm hơn 6,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,59%). Được biết, ông Nguyễn Tuấn Nghi, Giám đốc Thượng Hải là em trai ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cienco4.

Trái ngược với những Cienco1 và Cienco4, các phiên IPO của Cienco5, 6 và 8 chỉ bán được một lượng nhỏ ra công chúng. Tuy nhiên, sang năm 2015 – 2016, các tổng công ty này cũng đã IPO thành công.

Tại phiên IPO của Cienco5 (tổ chức vào ngày 24/3/2014), doanh nghiệp chỉ phát hành thành công hơn 1,9 triệu cổ phần cho 8 nhà đầu tư (7 trong số này là cá nhân), trị giá hơn 19,2 tỷ đồng.

Lúc này, Cienco5 có 3 cổ đông lớn là Bộ Giao thông vận tải nắm 63,18%, CTCP Đầu tư Nam Trí nắm giữ 15,5%, CTCP Việt Phương nắm 15,5%. Nhóm cổ đông nhỏ lẻ khác nắm số cổ phần còn lại.

Trong số các Cienco, thì Cienco5 là câu chuyện đặc biệt hơn cả, khi pháp nhân này gắn liền với cuộc tranh chấp 2 siêu dự án là Khu đô thị Thanh Hà rộng hơn 400ha và Khu đô thị Mỹ Hưng rộng 182ha ở Hà Nội.

Trong khi KĐT Thanh Hà đã được Tập đoàn Mường Thanh mua lại và hoàn tất triển khai thông qua doanh nghiệp dự án Cienco5 Land, thì hiện nay, các bên tiếp tục tranh chấp dự án KĐT Mỹ Hưng.

Về cơ bản, Cienco5 giai đoạn hiện nay thuộc sở hữu chi phối của nhóm Hải Phát Group. Tuy nhiên không phải là không có hình bóng của các đại gia địa ốc khác. Chẳng hạn, vào giữa năm 2020, có tới 70% cổ phần Cienco5 được CTCP Đầu tư Hải Phát và CTCP Hải Phát Thủ đô thế chấp tại CTCP HBI, một thành viên trong “hệ sinh thái” MIK Group.

Tháng 4 vừa qua, Hải Phát Thủ Đô đã “cầm cố” gần 24,4 triệu cổ phần Cienco5 (chiếm 45,2% vốn công ty) tại Ngân hàng TMCP Việt Á chi nhánh Hà Đông, sau đó không lâu, Hải Phát vào đầu tháng 5 cũng đã thế chấp 11 triệu cổ phần của Hải Phát Thủ đô tại VietABank Hà Đông.

Đối với Cienco6, theo kết quả đấu giá cổ phần bán theo lô tại công ty này được tổ chức vào ngày 31/12/2015, đã có 1 tổ chức trúng giá với khối lượng cổ phần bán được là 45,695 triệu đơn vị, tương ứng 92,88% vốn điều lệ. Giá đấu thành công bình quân gần 457,64 tỷ đồng, ứng với 10.015 đồng/CP, cao hơn so với mức giá khởi điểm 10.011 đồng/cp.

Được biết 2 tổ chức tham dự phiên đấu giá này gồm CTCP Đồng Phú Hưng-Bình Thuận và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt. Trong đó, Phú Hưng- Bình Thuận là công ty con do CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội nắm 91% vốn.

CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội là chủ đầu tư trực tiếp của dự án Times City và là một đơn vị sở hữu của Vingroup (chiếm 98,9% vốn điều lệ).

Hiện nay, Chủ tịch HĐQT Cienco6 là ông Võ Văn Bé – chủ sở hữu Thuận Việt Group.

Còn tại Cienco8, ngày 6/5/2014, đơn vị này đã đưa ra đấu giá hơn 10 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, Cienco8 chỉ bán được 37.000 cổ phần với giá bình quân 10.000/CP. Tổng giá trị cổ phần bán được là 370 triệu đồng.

Đến tháng 8/2015, Cienco8 tiếp tục đưa hơn 19,1 triệu cổ phần ra đấu giá với giá khởi điểm 10.100 đồng/CP, đã có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia (gồm 1 tổ chức và 1 cá nhân đều là nhà đầu tư trong nước) nhưng tổng khối lượng đăng ký mua chỉ là 8,266 triệu cổ phần tương đương 43,5% lượng cổ phiếu đấu giá.

Sau đó, nhóm cổ đông Tập đoàn Phúc Lộc cùng hai cá nhân là Lương Minh Tường và Đinh Thị Hương Giang đã nắm quyền kiểm soát Cienco8 với tỷ lệ 78,51%.

Hiện tại, ông Lương Minh Tường là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Cienco8.