Vì sao nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt?

266
Từ đầu năm 2021 đến nay, TPHCM có gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và xu hướng nghỉ việc trong lĩnh vực y tế tiếp tục gia tăng. Rất nhiều yếu tố khác nhau đã tác động đến quyết định thôi việc của những người nơi tuyến đầu chống dịch, trong đó có áp lực công việc, thu nhập, khủng hoảng tâm lý.

 Nhân viên y tế kiệt sức trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Nguyễn

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, 10 tháng đầu năm 2021, số nhân viên xin nghỉ việc trong lĩnh vực y tế là 968 trường hợp. Dựa trên đơn thư, các trường hợp xin nghỉ do hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân.

Tuy nhiên, phía sau lá đơn xin thôi việc là những trăn trở, nghẹn ngào của các chiến sĩ áo trắng một thời quên mình nơi tuyến đầu chống dịch. Chị Nguyễn Thị Thu, điều dưỡng từng công tác tại Bệnh viện huyện Củ Chi chia sẻ: “Nhân sự không đủ, chúng tôi phải làm việc 24/7, cứ 2 tuần mới được xoay tua nghỉ một lần.

Bệnh nhân đông nên nhân viên y tế phải trực cả ngày lẫn đêm trong căng thẳng lo lắng có thể bị lây nhiễm bất kỳ lúc nào. Tôi rơi vào rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt, sức khỏe và tinh thần đều sụt giảm. Trong khi đó, tổng thu nhập mỗi tháng chỉ được khoảng 8 triệu đồng. Tôi đã cố cho đến khi dịch tạm lắng và xin nghỉ việc để chuyển sang lĩnh vực thẩm mỹ”.

Một trường hợp khác là bác sĩ Trương Thanh Q. (xin ẩn danh) từng công tác một bệnh viện tại TPHCM, nói: “Tôi nghỉ việc không phải vì thu nhập thấp, bởi các khoản hỗ trợ chống dịch vẫn được lãnh đều. Tuy nhiên, mỗi đêm nhắm mắt tôi lại thấy hình ảnh bệnh nhân không thể qua khỏi vì COVID-19.

Trong thời gian dài tôi phải sống trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi cả thể xác lẫn tâm thần; phần vì áp lực công việc trong cuộc chiến chống dịch, phần vì sự ám ảnh khiến tôi khó tập trung vào công việc và luôn có cảm giác bất an. Tôi cần phải nghỉ ngơi và có thể sẽ chọn nghề khác sau khi lấy lại những thăng bằng cho bản thân”.

Trong khi đó nhân viên y tế tuyến cơ sở đang đuối sức. BS Phạm Văn Nghĩa-Trưởng trạm y tế xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, nói: “Trên địa bàn có khoảng 100.000 dân nhưng chỉ có 9 nhân viên y tế. Chúng tôi đang phối hợp với lực lượng trạm y tế lưu động chăm sóc cho gần 850 F0. Công việc rất vất vả, quá tải, tất cả anh em phải làm ngày làm đêm nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Ai cũng mệt mỏi nhưng thu nhập của anh em chỉ khoảng 6 đến 7 triệu/tháng. Thu nhập không tương xứng với công việc nên xu hướng anh em muốn nghỉ việc nhiều”.

Theo TS tâm lý Lê Minh Công – Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia TPHCM, nhân viên y tế là những người có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với rối loạn tâm thần trong dịch COVID-19. Nhiều dữ liệu cho thấy, nhân viên y tế xuất hiện các triệu chứng ám ảnh, né tránh trong thời gian rất dài, bởi tình trạng kiệt sức và thường xuyên đối diện với sự khốc liệt của dịch bệnh. Nhân viên y tế đang là những người cần được hỗ trợ, nâng đỡ về sức khỏe tâm thần.

“Giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh, chúng tôi đã xông pha đi chiến đấu gần như không màng danh lợi và cũng chẳng nghĩ đến nguy hiểm của bản thân, gia đình. Tuy nhiên, qua đợt dịch, anh em bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, sức lực hao mòn. Hơn lúc nào hết giai đoạn này rất cần sự động viên chia sẻ để xốc lại tinh thần cho lực lượng y tế”, BS Trần Văn Sóng-Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, chia sẻ.

Để nhân viên y tế vững tâm công tác, thời gian qua, Sở Y tế TPHCM đã đẩy nhanh tiến độ chi trả các chế độ chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố. Theo BS Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Y tế, đến nay hầu hết lực lượng tham gia phòng chống dịch đều đã nhận được sự hỗ trợ với tổng số tiền gần 338 tỷ đồng.