Doanh nghiệp, siêu thị tất bật lo hàng Tết, Hà Nội sẵn sàng bán lưu động

305

Sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang tăng tốc với hy vọng “gỡ gạc” phần nào một năm kinh doanh bết bát.

Lo “bão” giá, thiếu nguyên liệu đầu vào

Công ty CP Việt Hải (TP.HCM) là doanh nghiệp chuyên chế biến các mặt hàng thủy hải sản cung cấp cho các siêu thị lớn. Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc công ty chia sẻ: “Diễn biến dịch bệnh thời gian qua chúng tôi đã “ngấm” được tinh thần “không gì là không thể xảy ra”. Không bao giờ chúng tôi có thể lường trước được việc sản xuất lại có ngày phải đóng cửa”.

Do đó, ông Việt cho biết, sau khi được sản xuất trở lại, doanh nghiệp ưu tiên nhập nguyên liệu trong bối cảnh giá cả các mặt hàng ngày càng leo thang, thậm chí còn phải tranh giành với đối tác mới mua được.

“Chúng tôi phải huy động nhân viên đi khắp các cảng cá, ra tận miền Trung, miền Bắc mới gom đủ hàng. Việc khan hiếm hàng tại địa phương phần lớn do sự xáo trộn đối tác phân phối”, ông Việt nói và cho biết, các siêu thị năm nay cũng đặt hàng sớm hơn, đơn hàng đã được thống nhất ký kết trước vài tháng để chủ động kìm giữ giá và có kế hoạch phòng bị cho tình huống xấu có thể xảy ra vào cao điểm mua sắm cuối năm.

Các tổ sản xuất tại Công ty CP Việt Hải tất bật với việc chuẩn bị hàng Tết

Để đảm bảo tiến độ, sản lượng đơn hàng, Việt Hải đã huy động 200 công nhân làm tăng ca từ thu mua, chế biến, đóng gói, lưu kho…

Nhờ vậy, đến nay doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch. Công việc còn lại từ nay đến Tết còn lại chủ yếu là phân loại, phân đơn theo thời gian giao hàng và thực hiện các đơn phát sinh.

Tương tự, một doanh nghiệp chế biến nông sản cũng cho biết, ngay từ giữa tháng 10, công ty đã tăng tốc sản xuất. Kế hoạch tuyển thêm hàng trăm nhân sự, mở thêm văn phòng mới cũng đã nhanh chóng được thực hiện để cho ra mắt sản phẩm nước uống dinh dưỡng trái cây vào dịp Tết này.

“Đây là thời điểm vàng để chúng tôi thực hiện kế hoạch năm và cũng là cơ hội duy nhất để chuẩn bị tài chính cho những biến động có thể đến trong năm 2022 tới”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với khoảng 90% công suất. Không khí phục hồi sản xuất đang rất khẩn trương và tích cực để phục vụ cho đơn hàng Tết và đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn như thiếu nguyên liệu và chuỗi cung ứng vẫn chưa thông suốt, dòng tiền đứt gãy, vốn cạn kiệt… nên rất cần sự hỗ trợ trực tiếp từ địa phương”, vị này cho hay.

Siêu thị gom hàng Tết trước 3 tháng

Không chỉ có các doanh nghiệp tất bật chuẩn bị hàng Tết sớm, các siêu thị cũng đã lên kế hoạch “đâu vào đấy” để nhập hàng về kho. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, đã lên kế hoạch sớm so với mọi năm vì dịch bệnh Covid-19 có thể diễn biến xấu bất cứ lúc nào.

Vì thế, việc phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp để tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi là cách để đảm bảo hàng hóa không bị đứt nguồn cung.

Đơn vị cũng tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa thêm từ 5-10 lần so với các tháng trong năm và lên kế hoạch tăng cường bán hàng lưu động, bán hàng tận nhà trong bối cảnh “sống chung với dịch”.

Đẩy mạnh bán hàng online cũng là kế hoạch được Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đặt ra. Phó tổng giám đốc thường trực Đỗ Tuệ Tâm cho biết, đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021.

Lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021 cũng đã được Hệ thống siêu thị BigC (Tops Mart) chuẩn bị và đang dần vận chuyển về các kho theo kế hoạch. Theo đơn vị này, năm nay họ sẽ tập trung từ nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống, các sản phẩm có thương hiệu ở các địa phương…

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới đời sống và sản xuất, dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán.

“Giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao, trong đó giá xăng dầu tăng mạnh tác động tới giá nhiều hàng hoá tiêu dùng. Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng cuối năm sẽ tăng khá cao so với mức tăng giá bình quân 10 tháng năm 2021”, ông Đông nhận định.

Hơn nữa, theo ông Đông, sau đợt dịch vừa qua, phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi, từ trực tiếp theo phương thức truyền thống sang trực tuyến nhằm tránh đến những nơi đông người, giảm nguy cơ dịch bệnh.

“Bộ Công thương đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trên cả nước xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19 và có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.

Tại các địa phương, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu thường được giao cho các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn hoặc các doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng. Trong trường hợp xảy ra biến động thị trường, thông qua các doanh nghiệp này cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện việc điều tiết, kịp thời bổ sung, chi viện hàng hóa để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung”, ông Đông cho hay.

Nguồn cung được đảm bảo kể cả khi có dịch

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thị trường hàng hoá trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hoá thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao.

Hiện đang vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hoá tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nguồn cung sẽ được đảm bảo kể cả các địa bàn có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp do các doanh nghiệp đã chủ động có phương án.

Hà Nội sẵn sàng kho và điểm bán hàng lưu động

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhận định, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp. Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu…