Cả 2 ca cộng đồng tại Tx.Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đều có lịch trình phức tạp, vì vậy lực lượng chức năng đã trắng đêm tiến hành truy vết.
Ca cộng đồng tiếp xúc nhiều người
Sáng 19/11, ông Phạm Chí Kiên, Chủ tịch UBND Tx.Thái Hòa, tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan chức năng đang tích cực tiến hành truy vết, xác định các trường hợp liên quan đến 2 ca nhiễm cộng đồng trên địa bàn.
“Cả 2 ca này đều không phải là người địa phương nhưng công tác, làm việc tại Bảo hiểm xã hội Tx.Thái Hòa. Vì vậy, lịch trình 2 bệnh nhân khá phức tạp, có tiếp xúc nhiều người. Khi nhận được thông tin, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 lập tức triển khai việc phong tỏa nơi ghi nhận ca bệnh và các biện pháp truy vết các trường hợp liên quan”, ông Kiên nói.
Lực lượng chức năng ở Tx.Thái Hòa triển khai công tác truy vết.
Bệnh nhân thứ nhất là P.T.T., nam, sinh năm 1990; địa chỉ thường trù xóm Nam Giang, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành; địa chỉ tạm trú phường Long Sơn, Tx.Thái Hòa. Ngày 18/11, bệnh nhân có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi nên test tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc cho kết quả nghi ngờ. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa Khoa Quang Khởi cho kết quả khẳng định dương tính với vi-rút SARS-CoV-2.
Bệnh nhân thứ hai là B.Đ.C., nam, sinh năm 1984; địa chỉ xóm Quyết Tiến, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ngày 18/11, bệnh nhân có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi nên test nhanh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc cho kết quả nghi ngờ. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
“Do các bệnh nhân có yếu tố dịch tế phức tạp nên các lực lượng y tế đã trắng đêm để xét nghiệm, truy vết. Bước đầu xác định 103 trường hợp F1 liên quan đến 2 ca nhiễm trên. May mắn phần lớn kết quả lần 1 là âm tính, có một số trường hợp nghi ngờ đang kiểm tra lại”, ông Kiên nói.
Xác định được hơn 100 F1 liên quan đến 2 ca cộng đồng.
Liên quan đến việc này, ông Đoàn Đức Hạnh, Chủ tịch UBND phường Long Sơn, Tx.Thái Hòa cho biết, đã phong tỏa khu vực trụ sở của cơ quan bảo hiểm xã hội, đồng thời cách ly cả 14 nhân viên liên quan đến ca nhiễm cộng đồng trên.
“Trên địa phương có 12 trường hợp F1 liên quan đến ca nhiễm. Riêng các nhân viên của bảo hiểm xã hội, một số đã đưa đi cách ly, còn lại vẫn đang ở tại chỗ để chờ kết quả xét nghiệm”, ông Hạnh nói.
Sàng lọc để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng
Ông Đinh Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND Tx.Thái Hòa cho biết, đã báo cáo công tác phòng dịch cho lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An. Tính từ đầu mùa dịch cho đến thời điểm hiện tại, thị xã ghi nhận 21 trường hợp nhiễm Covid-19. Tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin đạt 77,4% từ độ tuổi từ 18-65. Vì vậy, Tx.Thái Hòa đề xuất lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An quan tâm.
Tx.Thái Hòa báo cáo công tác phòng chống dịch với lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An.
Về việc này, ông Dương Đình Chỉnh, Phó chỉ huy Trung tâm Phòng chống dịch bệnh tỉnh, Giám đốc Sở Y tế ghi nhận sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu trong tham gia phòng chống dịch và tiêm phòng Covid-19.
Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng Covid-19, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu tiếp tục xây dựng kịch bản, kế hoạch chống dịch trong thời kỳ mới phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương “Thích ứng, an toàn, hiệu quả, linh hoạt”.
Trong đó, cần đảm bảo cách ly, phong tỏa hẹp nhưng phải khoanh vùng rộng để nhận diện tình hình dịch, xem xét lấy mẫu xét nghiệm thăm dò, sàng lọc để sớm bóc tách F0. Tiếp tục triển khai lấy mẫu thăm dò ngẫu nhiên ở những vùng, gia đình có nguy cơ cao.
Cho đến thời điểm hiện nay, Tx.Thái Hòa ghi nhận hơn 20 ca nhiễm Covid-19.
“Tổ chức cách ly linh hoạt, trong đó, xem xét triển khai cách ly F1 tại nhà nếu đủ điều kiện. Đối với những người trở về từ các địa phương, tùy vào cấp độ dịch để nhận diện, tổ chức cách ly theo quy định”, ông Chỉnh nói.
Tiếp tục triển khai “4 tại chỗ”, trong đó, thị xã cần bố trí nguồn lực và chuẩn bị dự phòng vật tư y tế để chủ động trong chống dịch. Tiếp tục quản lý hiệu quả di biến động dân cư; phát huy hiệu quả tổ Covid cộng đồng, tổ tự quản và vai trò của người dân trong tham gia chống dịch. Mỗi địa phương xây dựng từ 3- 4 trạm xã lưu động, trong đó mỗi trạm y tế đủ thu dung, điều trị 100 bệnh nhân khi có yêu cầu. Thường xuyên cập nhật cấp độ dịch tại các xã để quyết định các hoạt động phù hợp.