Mỗi tháng điều hành giá xăng 3 lần, biến động mạnh phải báo cáo Thủ tướng

345

Chu kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ rút về 10 ngày thay vì 15 ngày, vào ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Giá xăng biến động trên 10% hoặc ảnh hưởng kinh tế, xã hội thì Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng.

Giá biến động bao nhiêu thì phải báo cáo Thủ tướng?

Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được ban hành ngày 1/11 quy định trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Tại Nghị định mới ban hành, chu kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm xuống từ 15 ngày còn 10 ngày. Theo đó, mỗi tháng cơ quan hành điều sẽ điều chỉnh ba lần (Ảnh: Mạnh Quân).

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp cụ thể.

Còn tại Nghị định 83 ban hành năm 2014, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở trên 7% so với giá cơ sở liền kế trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương – Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.

Kỳ điều hành giá xăng: Ngày 1, 11 và 21 hàng tháng

Đáng chú ý, tại Nghị định 95 mới ban hành, chu kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm xuống từ 15 ngày còn 10 ngày. Theo đó, mỗi tháng cơ quan hành điều sẽ điều chỉnh 3 lần.

Thời gian điều hành sẽ áp dụng vào ngày 1, ngày 11 và 21 hàng tháng, trường hợp kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, lễ, thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Nếu kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, sẽ lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Xăng tăng liên tục, nhiều áp lực

Vừa qua, việc giá xăng dầu tăng cao liên tục khiến doanh nghiệp, người dân đều lo ngại. Giá xăng dầu tăng tạo áp lực lên sản xuất, tiêu dùng.

Tại kỳ điều chỉnh mới đây nhất (26/10), giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng mỗi lít; xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít, dầu mazut tăng 120 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít dầu mazut là 17.210 đồng/kg.

Mức tăng này là cao nhất từ đầu năm tới nay, đưa giá xăng trong nước cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Tại phiên thảo luận trước Quốc hội hôm 30/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu.

“Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh. Chúng ta vẫn còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, GTGT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng”, đại biểu Ngân nêu quan điểm.

Trao đổi với Dân trí, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, trong khi giá xăng là đầu vào của các hoạt động kinh tế xã hội. Giá xăng tăng cao sẽ đẩy chi phí nhiều lĩnh vực khác, gây thêm khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế.

“Điều chỉnh về giá phải sử dụng công cụ thuế của Nhà nước đang quản lý. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng như gần đây thì cũng nên tính toán giảm thuế như nhập khẩu hoặc thuế về môi trường cũng nên tạm thời duy trì ở mức hợp lý”, đại biểu Cường nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu Cường, mức tăng như vừa qua chưa phải quá lớn so với thời điểm đỉnh cao của những năm trước đây. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay khi doanh nghiệp rất khó khăn, chúng ta đang phục hồi kinh tế thì giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh như vậy sẽ đẩy các chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác. Đặc biệt là tác động đến giao thông vận tải, du lịch… Trong khi đó, đây vốn là những ngành chịu tác động rất mạnh của dịch vừa qua.

“Do vậy, tôi cho rằng cần thiết giữ ổn định giá xăng dầu để ổn định, phục hồi kinh tế, kìm chế tăng giá các ngành khác. Ưu tiên nhất là nên xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó là can thiệp hiệu quả quỹ bình ổn, tăng như vậy thì bỏ trích lập”, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Mới đây, kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo giá, đề cập tới giá xăng dầu, Chính phủ cho rằng, áp lực lớn khi điều hành giá trong nước cuối năm nay và cả năm 2022 khi giá năng lượng toàn cầu ở mức cao, khó lường.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính điều hành linh hoạt theo diễn biến giá thế giới. Việc tính toán mức trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn cũng cần linh hoạt, hợp lý để tạo dư địa cho điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán và tạo đà kiểm soát giá năm 2022.

“Giữ bình ổn mặt bằng giá xăng dầu vừa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, trích kết luận.