Hàng không tăng chuyến, vé máy bay rẻ bất ngờ

223
Trên các trang bán vé trực tuyến, giá vé máy bay trên các chặng bay nội địa đang còn khá nhiều với mức giá rẻ bất ngờ so với đồn đoán trước đó.

Trái ngược với những lo lắng của người dân về việc giá vé máy bay sẽ tăng cao do nhu cầu đi lại sau nới lỏng giãn cách lớn, nhưng thực tế những ngày qua cho thấy giá rất “mềm”, ngay cả trên “đường bay vàng” Hà Nội – TP.HCM.

Giá vé đã giảm 2-3 lần so với vài tuần trước

Vé không thiếu, giá không cao

Sau khi các hãng hàng không được tăng chuyến, mở lại nhiều đường bay từ 21/10, giá vé đã giảm 2-3 lần so với vài tuần trước.

Khảo sát của PV Báo Giao thông trên các trang bán vé trực tuyến ngày 26/10, giá vé máy bay trên các chặng bay nội địa đang còn khá nhiều với mức giá rẻ bất ngờ so với đồn đoán trước đó.

Trên chặng bay được cho là “nóng” nhất từ khi mạng bay nội địa được khai thác thác trở lại là TP.HCM – Hà Nội, từ ngày 27 – 30/10, giá vé phổ thông dao động trong khoảng từ gần 700.000 – 3.000.000 đồng (đã bao gồm thuế phí).

Khách muốn sở hữu những vé máy bay với giá thấp sẽ phải chấp nhận một số điều kiện như: Phải mua thêm phí cho hành lý ký gửi, không được đổi tên hành khách, phải trả phí nếu thay đổi chuyến bay, ngày bay và hành trình bay kèm theo khoản tiền chênh lệch giá vé (nếu có)…

Ở chiều ngược lại, hành khách thậm chí có thể mua được vé 0 đồng (tính gộp cả thuế phí bằng khoảng 560.000 đồng). Mức giá phổ biến trên chặng này dao động trong khoảng từ hơn 900.000 – 1.550.000 đồng đã bao gồm thuế phí.

Trước đó, trong ngày 12/10, khi “đường bay vàng” này nối lại sau khi được Hà Nội chấp thuận, mức giá thường xuyên được “treo” ở mức 3.600.000 đồng/chiều.

Thậm chí, một số thời điểm hết vé phổ thông, hành khách phải chấp nhận mua vé thương gia với mức giá khoảng 7,6 triệu đồng.

Vé phổ thông khứ hồi Hà Nội – Đà Nẵng bay cuối tháng 10 cũng rẻ nhất chỉ khoảng 1.2000.000 đồng, cao nhất hơn 3.000.000 đồng tuỳ hãng bay và điều kiện vé.

Tương tự, giá vé khứ hồi trên chặng TP.HCM – Đà Nẵng cũng tương đối “mềm”, chỉ từ 1.600.000 – gần 3.000.000 đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vietnam Airlines cho biết, thay vì chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày trên mỗi chặng bay, từ 21/10 – 14/11, trên chặng Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng, Đà Nẵng – TP.HCM và ngược lại, các hãng được khai thác tối đa 6 chuyến khứ hồi/ ngày, sau đó nâng lên tối đa 7 chuyến đến 30/11. Các đường bay khác không quá 4 chuyến khứ hồi/ ngày.

Hiện, Vietnam Airlines đã khôi phục gần như toàn bộ mạng bay nội địa với 40 chặng. Số đường bay dự kiến khai thác từ ngày 21/10 – 30/11 xấp xỉ trước khi dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021.

So với giai đoạn thí điểm, nhiều đường bay được mở lại kết nối tới các điểm đến mới như: Côn Đảo, Điện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Lâm Đồng… Tần suất các đường bay cũng được bố trí tăng dần qua từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ 21/10, mỗi ngày Vietnam Airlines Group sẽ khai thác hơn 90 chuyến, sau đó tăng lên gần 120 chuyến từ cuối tháng 10 đến tháng 11.

Vietjet cũng cho biết đã khôi phục khai thác toàn bộ đường bay kết nối TP.HCM với Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố từ ngày 21/10.

Đến 30/11, hãng đặt mục tiêu mở lại 48 đường bay nội địa. Hãng này cũng miễn phí xét nghiệm nhanh Covid-19 cho toàn bộ hành khách bay từ TP.HCM. Từ ngày 22/10, miễn phí xét nghiệm cho hành khách bay từ Hà Nội.

Đại diện Bamboo Airways thông tin, giai đoạn đến 31/10, hãng khôi phục và tăng tần suất 31 đường bay nội địa, trong đó 15 đường bay khứ hồi kết nối với Hà Nội, 17 đường bay bay khứ hồi kết nối với TP.HCM.

Bamboo Airways thậm chí còn vừa công bố chương trình ưu đãi “Bay nửa giá – Sale cực đã” giảm giá lên tới 50%, áp dụng với tất cả các đường bay nội địa hãng đang mở bán, tất cả các hạng vé và thời gian khởi hành kéo dài đến hết 30/11/2021.

Khách thường đặt chỗ sát ngày bay

Hành khách đi máy bay cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch (Ảnh minh họa)

Đang có ý định mua vé bay vào TP.HCM giải quyết việc gia đình, chị Vũ Thanh Hiền (Phúc Xá, Hà Nội) cho biết đã định đặt vé từ cuối tuần trước do sợ “khan” vé như đợt đầu.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát trên một số trang mạng, chị quyết định chậm lại một chút.

“Tôi cũng không muốn đặt vội vì vé rẻ muốn đổi ngày phải trả thêm phí, thậm chí cả tiền chênh lệch giá nếu có. Vé giá cao không thiếu, mua lúc nào cũng được. Đặt sớm yên tâm hơn về chỗ nhưng lại lo có sự thay đổi về chính sách của địa phương. Dịch dã thay đổi hàng ngày, tôi cũng không muốn mạo hiểm”, chị Hiền chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Quốc Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay đang có kế hoạch đi Đà Nẵng vào cuối tháng nhưng anh sẽ chỉ đặt vé sát ngày đi.

“Tầm này chúng tôi cũng xác định không đừng được mới phải đi. Đắt rẻ một vài trăm nghìn không quan trọng do vậy tôi cũng không cần thiết phải đặt vé sớm. Hơn nữa, vé cũng không thiếu, giá bay khứ hồi Đà Nẵng chỉ bằng nửa, thậm chí bằng 1/3 thời kỳ cao điểm”, anh Quốc Anh nói.

Đại diện Vietnam Airlines cho hay, những ngày qua, nhu cầu trên thị trường nội địa không cao, nếu không muốn nói là thấp.

Lượng khách đặt chỗ cuối tháng 10 và đầu 11 rất kém. Đáng nói hơn, thói quen của hành khách thường đặt chỗ sát ngày bay, cơ bản cũng xuất phát từ việc nhu cầu đi lại không cao.

“Tổng thị trường bay nội địa các tháng cuối năm chỉ đạt hơn 30% so với năm 2019 và thấp hơn kỳ vọng đưa ra vào đầu 2021. Theo dõi chung các hãng hiện tại, tỉ lệ lấp đầu chỗ các chuyến bay nội địa đạt thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 45%. Giá vé máy bay xu hướng giảm hơn nhiều so với giai đoạn thí điểm do nhu cầu thấp, các hãng tìm cách lấp đầy chỗ bằng cách đưa ra các mức giá hấp dẫn”, đại diện Vietnam Airlines nói và cho biết thêm: Thực tế trên cũng xuất phát từ việc tháng 10-11 hàng năm là tháng thấp điểm nhất trong năm nên mức cầu của thị trường đang thể hiện đúng bản chất cung – cầu.

Liên quan đến giá vé máy bay, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về hàng không dân dụng, các hãng không được phép bán quá mức giá đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.

“Ngay cả thời điểm vé “khan” nhất, sẽ không thể có tình trạng giá vé quá cao mà phải nằm trong khung giá quy định”, ông Cường nói.

Theo quy định mới nhất của Bộ GTVT, hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ.

Các trường hợp hành khách khác cần đáp ứng một trong ba điều kiện:

– Có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay.

– Có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay.

– Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.