Tung tin giả “cả Uỷ ban bị F0”, người đàn ông nhận án phạt nào?

870

Tung tin giả “toang rồi mọi người ơi”, người đàn ông 49 tuổi ở Nghệ An có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng.

Trước những nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của cơ quan chức năng và người dân cả nước nói chung, mới đây, một người đàn ông tung tin sai sự thật lên mạng xã hội khiến dân tình hoang mang, lo lắng.

Cụ thể, ông N.Đ.V. (49 tuổi, trú xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc) lên facebook cá nhân đăng dòng trạng thái với nội dung: “Toang rồi mọi người ơi, Nghi Thạch cả UBX bị F0 rồi”.

Ngay lập tức, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phối hợp Công an xã Nghi Thịnh triệu tập ông V. lên để làm việc về việc đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.

Tại cơ quan công an, ông V. thừa nhận thông tin trên đăng lên Facebook cá nhân của anh là sai sự thật. Cán bộ công an huyện Nghi Lộc đã yêu cầu ông V. viết cam kết không tái phạm, gỡ bài đăng và viết bài đính chính thông tin.

Điều đáng nói là những sự việc tương tự của ông V. đã được phản ánh rất nhiều trên các phượng tiện thông tin truyền thông cũng như mức xử phạt, lời cảnh báo song đến nay vẫn không ít người vi phạm.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Ngô Thạnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội…

Luật sư Ngô Thạnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

“Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước”, Luật sư Thạnh phát biểu.

Dưới góc nhìn pháp lý, quan điểm của Luật sư Thạnh như sau: Đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Các mức xử phạt đối với hành vi này được quy định như sau:

Điều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang trong nhân dân.

Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, với mức phạt tù lên đến 3 năm.

“Trên thực tế, nhiều trường hợp có hành vi vi phạm tương tự như ông V. vi phạm điểm d, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đã bị phạt tới 5 triệu đồng”, Luật sư Thạnh cho biết.

Cùng nêu quan điểm về sự việc, Luật sư Trần Văn Việt (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Các cơ quan chức năng cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương.

Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.