Sai sót của hàng phòng ngự Việt Nam trong trận thua Oman

154

Huấn luyện viên Park Hang-seo thay đổi diện mạo tuyển Việt Nam từ lối chơi đến nhân sự khi gặp Oman, nhưng chúng ta đã thua sau những sai sót của hàng phòng ngự.

Trên sân Sultan Qaboos, ông Park đã xáo trộn đội hình ra sân bằng nhiều cái tên vốn thường nằm trong danh sách dự bị: Thủ thành Nguyễn Văn Toản, tiền vệ Phạm Đức Huy, vị trí tấn công dành cho Nguyễn Công Phượng hay chân chạy cánh Hồ Tấn Tài. Quyết định này khiến tất cả bất ngờ.

Nhưng ông Park thay đổi không phải vì đáp lời bầu Hiển hay chiều lòng dư luận. Những dịch chuyển đó xuất phát từ thực tế đội tuyển có người chấn thương (Bùi Tấn Trường, Nguyễn Tuấn Anh), có người mất phong độ (Phan Văn Đức) và quan trọng hơn cả, chúng ta không thể cứ mòn mỏi mãi trên một luống cày.

Khu vườn được cày xới

Tuyển Việt Nam giống như khu vườn được xới lên từ nhiều góc, mà mục đích không gì khác ngoài việc mang về những năng lượng tích cực hơn. Văn Toản xuất hiện là sự chuẩn bị tốt cho anh ở chiến dịch sắp tới cùng U22 Việt Nam.

Tấn Tài và Công Phượng xứng đáng được trao cơ hội sau những gì họ đã làm trong trận gặp tuyển Trung Quốc. Đức Huy là mảnh ghép kiểu khác ở giữa sân, nơi ông Park cần chốt đánh chặn trực diện hơn là kiến tạo. Tiền đạo Phạm Tuấn Hải cũng có những phút ra sân hiếm hoi, đền đáp cho những nỗ lực của anh trong tập luyện.

Việc thay đổi về nhân sự kéo theo thay đổi về lối chơi. Tuyển Việt Nam lần đầu tiên ở vòng loại thứ 3 World Cup nhập cuộc bằng ý tưởng ăn miếng trả miếng với đối thủ.

Quang Hải và Công Phượng sát cánh trên hàng công. Ảnh: AFC.

Những thời điểm phản công, chúng ta chơi 3-5-2 thực sự với Tấn Tài, Hồng Duy tràn sang phần sân của Oman ở 2 biên để tăng cường phối hợp nhóm. Tiến Linh không còn đơn độc nữa, anh có Công Phượng chia lửa trong việc vây ráp ngay từ sân đối thủ và ở gần đó, Quang Hải và Hoàng Đức vẫn di chuyển nhiều như thường lệ để đón những đường chuyền từ hàng phòng ngự.

Chúng ta không phá bóng chịu trận mà tìm cách giải tỏa áp lực vào phía sau lưng tiền vệ Oman, nơi mà sự tranh chấp quyết liệt có thể bù đắp phần nào thua thiệt về thể lực.

Với cách tiếp cận đó, các học trò của thầy Park kiểm soát bóng 39%, sút cầu môn 4 lần trúng đích so với 5 của Oman, số pha dứt điểm ngang bằng đội chủ nhà (5-5)… Đó là những thông số tích cực hơn rõ rệt so với khi chúng ta gặp Saudi Arabia, một đối thủ Tây Á khác, dù kết quả chung cuộc không khác biệt (thua 1-3). Ở trận đấu đó, chúng ta chỉ sút được đúng 1 lần, còn Saudi Arabia là 9.

HLV Park Hang-seo đã có đáp số cho câu hỏi mà có lẽ chính ông cũng trăn trở bấy nay: Tuyển Việt Nam đá tấn công thì sẽ thế nào. Tiến Linh tiếp tục ghi bàn, trong pha bóng có đóng góp lớn nhất của Tấn Tài. Công Phượng thể hiện sự mạnh dạn và nội lực bằng cú sút xa đập cột. Văn Toàn tiếp ứng bằng quả đệm lòng buộc thủ môn Fayiz phải vất vả cứu thua.

Trong suốt trận, Hoàng Đức, Quang Hải có nhiều pha đan bật nhỏ, nhanh với các nhóm tam giác để giữ bóng và tạo ra sức ép cần thiết lên hàng thủ Oman. Ở phía sau, Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng cũng đưa bóng sớm nhất có thể ra biên để triển khai tình huống tiếp theo. Chúng ta đã không chơi bóng bằng tư thế của đội đến sân khách để cầu hòa.

VAR và những tiếc nuối

Cuộc cách mạng của thầy Park ở tuyển Việt Nam khá đường đột, nhưng mọi sự cải tiến đều cần thời gian để vận hành nhuần nhuyễn. Chơi cởi mở hơn, chủ động hơn nghĩa là phải chấp nhận những sai số trong phòng ngự bởi dẫu sao, chúng ta cũng là đội yếu hơn về mọi mặt.

Thật tiếc là ngay sau thời điểm có bàn thắng nhọc nhằn mới được ghi nhận, chúng ta lại để đối phương gỡ hòa quá dễ dàng. Văn Toản được che chắn bởi ít nhất 5 đồng đội áo trắng, nhưng lưới của anh vẫn tung lên từ cú tung móc của Sabhi. Không hậu vệ nào tranh chấp ở pha bóng cận thành, đó là điều khó lý giải.

VAR tiếp tục là vận đen của tuyển Việt Nam. Ảnh Reuters.

Chúng ta có thể hiểu các cầu thủ Việt Nam đã bị phân tâm bởi hệ thống VAR mất quá nhiều thời gian “soi xét” bàn thắng hợp lệ của Tiến Linh. Cũng có thể hiểu chúng ta đang lãng mạn về kết cục như mơ, giống cách mà chính Oman tạo ra trước Nhật Bản. Nhưng đánh mất lợi thế dẫn bàn, chúng ta đã sụp đổ ở hiệp 2 một cách đáng tiếc và cũng có phần đáng trách.

VAR rõ ràng đã gây ức chế cho tuyển Việt Nam, như Duy Mạnh chia sẻ thẳng thắn sau trận. Thầy Park cũng đã hơn một lần bày tỏ bất bình khi chúng ta không được VAR đối xử công bằng (điển hình là khi Quang Hải bị đẩy ngã trong vòng cấm Oman nhưng trọng tài điềm nhiên bỏ qua). Tuy nhiên, chính chúng ta cũng tạo ra bất lợi cho mình, khi nhận những quả phạt đền không đáng có.

Duy Mạnh và Tấn Tài 2 lần vung tay như một bản năng, 2 lần VAR công nhận 11 m cho đội chủ nhà. Quế Ngọc Hải cũng tìm lại bản ngã của mình với cú thúc cùi chỏ không cần thiết, may mắn chỉ nhận thẻ vàng. Đó là những tiểu xảo mà cầu thủ Việt Nam thường dùng, và buộc phải dùng để “tồn tại” ở V.League, ở các giải đấu Đông Nam Á có sự hiện diện của Malaysia, Indonesia… Nhưng ra đấu trường có con mắt của VAR, những động tác thừa thãi đó đương nhiên là lỗi.

Nếu VAR đã không ủng hộ, chúng ta càng phải tỉnh táo và tính toán đến cả những rủi ro nhỏ nhất. Không quản lý được cảm xúc và thói quen, cái giá phải trả sẽ là thẻ phạt, là penalty, là thua chung cuộc trong tức tưởi.

Sự tức tưởi ấy có thể sẽ phụ công thầy Park, trong những nỗ lực xoay chuyển, lắp ghép sa bàn chiến thuật. Tuyển Việt Nam đang tận dụng những cơ hội còn lại ở bảng đấu này để thử nghiệm lối chơi mới, con người mới, và thật là uổng phí nếu những sai sót nhỏ dẫn đến hậu quả lớn, và những tiến bộ của toàn hệ thống không được ghi nhận công bằng.