GDP quý III giảm 6,17%, sâu nhất trong lịch sử

172

Theo Tổng cục Thống kê, với việc GDP quý III giảm 6,17% thì đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

“Do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải.

Theo thống kê chi tiết, trong quý III, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%. Đây là khu vực duy nhất có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, 2 động lực quan trọng của nền kinh tế là công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ đều giảm mạnh trong quý vừa qua. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.

Ngành dịch vụ suy giảm liên tục

Tiêu dùng cuối cùng trong quý III của cả nền kinh tế giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.

Trong khi đó nếu tính chung GDP 9 tháng, kinh tế Việt Nam chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%.

Đáng chú ý đóng góp của ngành nông nghiệp trong 9 tháng vừa qua đã chiếm tới 25% GDP. Khu vực dịch vụ giảm mạnh đã kéo giảm GDP cùng với tốc độ tăng chậm lại của khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Tổng cục Thống kê cho biết giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%; ngành khai khoáng giảm 7,17%.

Khu vực công nghiệp – xây dựng, động lực chính của nền kinh tế đã giảm trên 5% trong quý III. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Sản xuất công nghiệp quý III gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài”, bà Nguyễn Thị Hương nói.

Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành tăng 3,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 24,3%).

Đáng chú ý, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%.

Doanh nghiệp thành lập mới khiêm tốn

Do tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng nặng nề đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trong tháng 9, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62.400 tỷ đồng, giảm 32,3% về số doanh nghiệp và giảm 8,1% về vốn đăng ký so với tháng trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 16 tỷ.

Trong tháng, cả nước còn có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1,2 triệu tỷ đồng, giảm 13,6% về số doanh nghiệp và giảm 16,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ.

Trước đó tại một cuộc tọa đàm ở Quốc hội mới đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), dự báo tăng trưởng quý III có thể tăng trưởng âm khoảng 2%.

Theo ông Lực, nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế ảm đạm là ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, giãn cách xã hội tại hàng loạt tỉnh, thành phố. Nếu GDP quý III âm thì đây là lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng trong một quý ghi nhận âm.