Sức vươn của TP Vinh sau sáp nhập?

23
Suc-vuon-cua-TP-Vinh-sau-sap-nhap-1

Vị thế và diện mạo của TP Vinh, tỉnh Nghệ An sẽ được nâng lên tầm cao mới sau khi “ôm trọn” phố biển Cửa Lò và một số xã huyện Nghi Lộc…

 

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành, TP Vinh trở thành đô thị biển khi có ranh giới hành chính giáp huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc; tỉnh Hà Tĩnh và Biển Đông.

 Việc sáp nhập sẽ tạo thế và lực đưa TP Vinh sớm trở thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung Bộ.

Quy mô mới, diện mạo mới

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, kể từ ngày 1/12/2024, TX Cửa Lò sẽ chính thức không còn là một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Nghệ An, mà sẽ nhập vào và trở thành một phần của TP Vinh. Ngoài ra, 4 xã thuộc huyện Nghi Lộc là Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái và Nghi Phong cũng sẽ đồng thời được sáp nhập vào TP Vinh.

Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 29,09 km2, quy mô dân số là 77.813 người của TX Cửa Lò và toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,17 km2, quy mô dân số là 11.884 người của xã Nghi Xuân, toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,12 km2, quy mô dân số là 10.409 người của xã Phúc Thọ, toàn bộ diện tích tự nhiên là 9,50 km2, quy mô dân số là 11.006 người của xã Nghi Thái và toàn bộ diện tích tự nhiên là 10,35 km2, quy mô dân số là 11.831 người của xã Nghi Phong thuộc huyện Nghi Lộc vào TP Vinh.

Như vậy, sau khi sáp nhập, TP Vinh sẽ có 33 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 phường và 9 xã, với diện tích tự nhiên là 166,22 km2, quy mô dân số là 580.669 người. Điểm đáng chú ý, TP Vinh sẽ lần đầu tiên trong lịch sử hình thành trở thành đô thị biển khi có phố biển Cửa Lò, một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

 Kinh tế biển đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của TP Vinh.

Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng xây dựng TP Vinh đến năm 2030, là đô thị biển văn minh, hiện đại; tầm nhìn đến năm 2045 là đô thị thông minh phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, một trong những động lực phát triển, cực tăng trưởng quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ. Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.

Định hình cực tăng trưởng mới

Tại Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua tại phiên họp thường kỳ tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua cũng đã định hướng TP Vinh sẽ phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực; trọng tâm là các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, tổ hợp khu công nghiệp và đô thị dịch vụ; phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái, phát huy bản sắc xứ Nghệ và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn.

Cụ thể, TP Vinh tiếp tục trở thành vùng trọng tâm, chủ đạo phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tiếp tục phát triển TP Vinh trở thành trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó, khu vực TP Vinh hiện hữu tiếp tục phát triển hoàn thiện các chức năng về dịch vụ thương mại cấp vùng, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực, hình thành mới các trung tâm về khoa học công nghệ.

 TP Vinh sẽ phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực; trọng tâm là các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, tổ hợp khu công nghiệp và đô thị dịch vụ.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung khai thác phát triển khu vực sân bay Vinh trở thành trung tâm về dịch vụ thương mại, logistics và du lịch quốc tế, tạo kết nối quốc tế cho tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ thông qua đường hàng không. Khu vực xung quanh sân bay được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị sân bay, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất dự trữ cho nhu cầu phát triển mở rộng trong tương lai.

Cùng với đó là khai thác phát triển khu vực sông Lam, cửa Hội trở thành đầu mối về vận tải hành khách, du lịch trên biển, trên sông, từ đó khai thác phát triển hành lang dọc tuyến sông Lam trở thành trọng tâm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cửa ngõ đường biển đón khách du lịch đường biển.

Mặt khác, đối với vùng đệm bao quanh trung tâm TP Vinh hiện có sẽ được khai thác để phát triển các chức năng dịch vụ sinh thái, dịch vụ, du lịch như trường đào tạo, trung tâm y tế, khu vực nghiên cứu khoa học, sân golf. Một lợi thế lớn là TP Vinh mở rộng có 45 công trình di tích, văn hóa đã được xếp hạng, gồm: 18 công trình cấp quốc gia và 27 công trình cấp tỉnh…