Nghệ An: Đất ở nơi “nóng”, nơi “lạnh”

38

Trong khi đất ở tại xã nông thôn khách giành nhau mua thì một khu đấu giá đất ở xã ngoại ô TP Vinh phải hạ giá, 9 lần đấu giá vẫn bán chưa hết.

9 lần thông báo đấu giá vẫn chưa bán hết

Ngày 29/10, ông Chu Văn Mai – Chủ tịch UBND xã Nghi Ân (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) – cho biết, xã đang làm đề xuất tổ chức bán đấu giá lần thứ 10 khu quy hoạch chia lô đất ở xóm Kim Trung. Dự kiến phiên đấu giá đất ở sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11/2024.

Khu đất quy hoạch này có tổng diện tích hơn 11.271m2, gồm 68 lô đất, mỗi lô 160 – 195m2. “Phiên đấu giá lần thứ 9 hôm 26/10 chỉ có 1 lô đất được đấu giá thành công. Dù đã giảm giá, nhưng nhiều người vẫn cho rằng mức giá khởi điểm còn cao nên họ không mua” – ông Mai nói.

 Khu quy hoạch đất ở xã Nghi Ân được đầu tư đồng bộ, gần trung tâm xã song 9 lần thông báo đấu giá vẫn còn 17/68 lô – Ảnh: Phan Ngọc

Khu quy hoạch đất ở dân cư tại xóm Kim Trung được xem là có vị trí khá đẹp khi nằm sát trụ sở UBND xã Nghi Ân, bên cạnh chợ hoa cây cảnh của xã, gần trường học và gần Quốc lộ 46. Tuy nhiên, 5 lần thông báo mời tham gia đấu giá đầu chỉ có 2/68 lô đất được bán thành công.

Tháng 9/2023, UBND xã Nghi Ân và đơn vị tổ chức đấu giá đã thông báo mời tham gia đấu giá lần thứ 6 song không thể tổ chức vì không nhận được hồ sơ đăng ký đấu giá nào.

Một số người cho rằng, do mức giá khởi điểm quá cao, ngang bằng với giá thị trường nên người dân và các nhà đầu tư bất động sản không mặn mà. Các lô đất ở khu đất này có giá khởi điểm thấp nhất là hơn 2 tỉ đồng, cao nhất gần 4,9 tỉ đồng, tương đương 13 – 27 triệu đồng/m2.

Trước tình trạng “ế ẩm” này, UBND xã Nghi Ân và đơn vị tổ chức đấu giá đề xuất UBND TP Vinh giảm 10% mức giá khởi điểm và đã được đồng ý. Sau khi giảm giá, mức giá khởi điểm thấp nhất cho mỗi lô đất còn lại hơn 1,8 tỉ đồng, cao nhất hơn 4,4 tỉ đồng, tương đương 11,7 – 24 triệu đồng/m2.

 Khách hàng đến xem đất tại khu quy hoạch đất ở xã Nghi Ân – Ảnh: Phan Ngọc

Trong phiên đấu giá ngày 23/9 có 31 lô đất được đấu giá thành công, phiên đấu giá ngày 4/10 (lần thứ 8) có thêm 17 lô đất được đấu giá thành công. Đây cũng là 2 lần đấu giá thành công nhất. Đến phiên đấu giá hôm 26/10, chỉ có duy nhất 1 lô được đấu giá thành công. Hiện khu đất này vẫn còn 17/68 lô.

Ô tô đậu kín làng chờ mua đất

Phiên đấu giá 92 lô đất ở xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) hồi đầu tháng 7/2024 vẫn có hơn 1.000 hồ sơ tham gia dù nơi này nằm khá xa trung tâm huyện. Do số lượng hồ sơ tham gia nhiều nên phiên đấu giá kéo dài tới 2 ngày. Kết quả đấu giá đạt 150 tỉ đồng, cao gần gấp 3 lần so với giá khởi điểm.

Hơn 1 tháng trước, phiên đấu giá 114 lô đất ở xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cũng thu hút 1.600 hồ sơ tham gia, thiết lập kỷ lục về hồ sơ đăng ký trong một cuộc đấu giá đất trên địa bàn Nghi Lộc. Từ sáng sớm, hàng trăm ô tô từ khắp nơi đổ về xã Nghi Phong, đậu kín 2 bên đường làng.

 114 lô đất ở xã Nghi Phong thu hút 1.600 hồ sơ tham gia phiên đấu giá – Ảnh: Khánh Trung

Anh Nguyễn Văn Hoàng (trú xã Nghi Phong) cho biết, chưa bao giờ thấy ô tô đậu kín nhiều tuyến đường quanh trụ sở xã đến thế. Khu quy hoạch chia lô đất ở này có sức hút rất lớn. Trước khi diễn ra phiên đấu giá, rất nhiều người từ khắp nơi đã đổ về xem đất.

Các lô đất có diện tích 180m2 và 220m2, giá khởi điểm từ 9,4 triệu/m2 đến 10,8 triệu/m2. Tổng mức giá khởi điểm 114 lô đất nói trên là 191 tỉ đồng. Kết thúc phiên đấu giá, toàn bộ 114 lô đất đều có chủ với tổng số tiền lên đến 295 tỉ đồng. Lô đất có giá cao nhất 3,7 tỉ đồng, tương đương 17,2 triệu đồng/m2, vượt xa giá khởi điểm 10,8 triệu đồng ban đầu.

Ông Nguyễn Công Ánh – Chủ tịch UBND xã Nghi Phong – cho biết, Nghi Phong là xã thuần nông, nhưng chỉ cách TP Vinh chưa đến 10 phút chạy xe. Bên cạnh đó, tuyến đại lộ Vinh – Cửa Lò mới được thông xe chạy qua địa bàn xã Nghi Phong nên giao thông trở nên thuận tiện.

Theo lộ trình, cuối năm 2024, xã Nghi Phong sẽ sáp nhập vào TP Vinh. “Khi sáp nhập vào TP Vinh thì xã sẽ không được phân lô bán nền nữa nên có thể vì thế mà sốt đất hơn” – ông Ánh nói.

Lãnh đạo xã Nghi Phong cho biết, đến nay, đã có 4 khách hàng hoàn thành nộp tiền sử dụng đất sau khi trúng đấu giá và đang làm thủ tục cấp giấy chủ quyền. “Từ sau phiên đấu giá đất đến nay, rất nhiều người đến xã hỏi xem có khách hàng nào bỏ cọc không để chờ đấu giá lại. Tuy nhiên, hiện chưa hết thời gian quy định nên xã không nắm được” – ông Ánh nói.

Trước tình trạng thị trường bất động sản (BĐS) ở Nghệ An nóng lên trong thời gian qua, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý và kiểm soát tình hình biến động giá BĐS.

Theo đó, thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, tình trạng “thổi giá, đẩy giá” gây ra hiện tượng “sốt ảo” vẫn tiếp diễn, gây ra nhiều lo ngại về sự ổn định của thị trường và an ninh trật tự xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Xây dựng rà soát và kiểm tra hoạt động kinh doanh BĐS, đặc biệt tại những khu vực có dấu hiệu tăng giá bất thường. Thông tin về thị trường và các dự án sẽ được công khai nhằm đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn các hành vi lừa đảo.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp và Sở Tài chính giám sát đấu giá, đảm bảo tính công khai. Các hoạt động đấu giá bất thường sẽ được kiểm tra và xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi.

UBND cấp huyện được yêu cầu kiểm soát hoạt động mua bán BĐS, đặc biệt là đất nền trong các khu vực đã được phân lô. Công khai quy hoạch sử dụng đất và các dự án đã được phê duyệt để bảo đảm thông tin minh bạch cho thị trường.