Tuyến đường kết nối ven biển với miền tây xứ Nghệ

53

Đường ngang N5 (quốc lộ 7C) dự kiến thông toàn tuyến vào đầu năm 2025, kết nối vùng núi với ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội miền tây xứ Nghệ.

Tuyến đường N5 (hay còn gọi là quốc lộ 7C) dài hơn 63 km. Điểm đầu giao với đường ven biển Nghệ An (đã đổi tên thành đường tỉnh 537C) thuộc xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc), điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ).

Dự án chia làm 3 đoạn, khởi công tháng 8/2015, tổng kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An) và Ban Quản lý dự án khu vực Khu kinh tế Nghệ An (thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam) làm chủ đầu tư.

Trong ảnh là đường N5 đoạn thứ nhất, từ xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc đến quốc lộ 7A, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương. Đường dài 36 km, vốn đầu tư hơn 1.265 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2017. Một số điểm khác trên toàn tuyến đã thảm nhựa, chưa thông song phương tiện có thể di chuyển. Đường dự kiến hoàn thành đầu năm 2025.

Giai đoạn một có nút giao quan trọng ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương. Tại đây, hướng thứ nhất tài xế có thể đi từ quốc lộ 1 và đường tỉnh 537C lên đường Hồ Chí Minh, đến cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn.

Hướng thứ hai là từ đường tỉnh 573C, di chuyển lên đường ven biển, điểm cuối là đường Hồ Chí Minh ở huyện Tân Kỳ.

Đường N5 thiết kế quy mô cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 12 m. Hai bên cắm cọc tiêu, nhiều điểm làm hộ lan tôn lượn sóng.

Đoạn thứ hai của tuyến dài hơn 21 km, điểm đầu từ quốc lộ 7A ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương đến đường mòn Hồ Chí Minh thuộc xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, tổng mức đầu tư gần 740 tỷ đồng.

Dự án băng qua nhiều cánh đồng lúa thuộc các xã Hòa Sơn, Thịnh Sơn, Bài Sơn, Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương); Minh Thành, Thịnh Thành (huyện Yên Thành) và xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ).

Một số điểm ở huyện Tân Kỳ đơn vị thi công phải đào đường qua nhiều vạt núi.

Một điểm đường uốn lượn tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương đi qua các vạt đồi, hai bên có một số giao cắt vào khu dân cư. Phần sơn kẻ và lan can bên đường đã hoàn thiện.

Nhiều vị trí đi qua núi ở huyện Tân Kỳ và Yên Thành được xây rãnh thoát nước bậc thang sâu hơn nửa mét, dài hàng trăm mét ở chân taluy âm nền đường. Khi trời mưa, nước trên mái đổ xuống, rãnh sẽ thu nước từ mái taluy và mặt đường để chống xói mòn.

Đoạn cuối tuyến ở xã Kỳ Tân đến nút giao đường Hồ Chí Minh tại huyện Tân Kỳ dài 400 m. Do đi qua hai khe núi cao, thường xuyên bị sạt lở nên nhà thầu phải múc đất, bạt núi, tạo độ dốc thoai thoải.

Toàn dự án không có cầu lớn, chỉ có một số cầu nhỏ dài 30-50 m đi qua các mương nước sát ruộng và chân núi. Cầu xây tiếp nối với đường, có trụ bêtông lớn ở hai đầu, mặt cầu bố trí lan can cao hơn một mét.

Đoạn thứ 3 – điểm cuối của đường N5 dài khoảng 5 km, vốn đầu tư gần 710 tỷ đồng, kéo dài từ quốc lộ 1 ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc đến đường tỉnh 537C, thuộc xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc.

Đoạn này đang trong giai đoạn lu nền, chưa thể thông đường do quá trình thi công gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Hiện dự án đạt gần 90% tiến độ, song đang vướng mắc về vốn. Dự kiến cuối năm đường sẽ hoàn thiện, đầu năm 2025 bàn giao và đưa vào sử dụng, giúp thông toàn tuyến từ Nghi Lộc đến Tân Kỳ.

Một góc của khu đô thị biển Cửa Lò, cách điểm cuối dự án – xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc khoảng 5-7 km. Vị trí này giúp kết nối thông suốt vùng biển Nghệ An đến vùng núi ở miền tây xứ Nghệ.

Ngoài liên kết các vùng kinh tế, tuyến đường sẽ mở rộng không gian phát triển cho du lịch cũng như nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Hướng tuyến đường ngang N5 ở Nghệ An. Đồ họa: Đăng Hiếu

Nhà chức trách kỳ vọng, dự án khi hoàn thành sẽ là đường trục chính kết nối các huyện thuộc vùng kinh tế miền Tây Nghệ An như Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn… với khu kinh tế Đông Nam đến cụm cảng quốc tế Cửa Lò.

Tuyến đường giúp nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, giao thông, thương mại, tạo cơ sở quan trọng trong việc thu hút đầu tư các dự án vào khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền tây xứ Nghệ – nơi đời sống người dân còn khó khăn.