Sức bật lớn đưa Nghệ An lên vị thế mới

103

Khi thành phố Vinh mở rộng được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I sẽ tạo sức bật lớn trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Mới đây, ông Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 475/QĐ-TTg công nhận TP Vinh mở rộng, tỉnh Nghệ An đạt tiêu chí đô thị loại I. Quyết định hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/6/2024.

Mở rộng không gian đô thị

Theo quyết định nêu trên, phạm vi TP Vinh mở rộng bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của TX Vinh hiện hữu, TX Cửa Lò hiện hữu và 4 xã hiện hữu nằm trên địa bàn huyện Nghi Lộc là Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong, có tổng diện tích là 166,25 km2.

Trong đó, khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 16 phường hiện hữu của TP Vinh, 7 phường hiện hữu của TX Cửa Lò và 4 xã hiện hữu của TP Vinh (gồm các xã: Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú và Nghi Đức) có tổng diện tích là 89,56 km2.

Khu vực ngoại thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 xã hiện hữu của TP Vinh (gồm các xã: Hưng Chính, Hưng Hòa, Nghi Ân, Nghi Liên, Nghi Kim) và 4 xã hiện hữu thuộc huyện Nghi Lộc (gồm các xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong), có tổng diện tích là 76,69 km2.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, TP Vinh sẽ thành lập các phường mới: Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú, Nghi Đức, cùng với các phường dự kiến nhập về TP Vinh: Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Hương, Nghi Tân, Nghi Thu, Nghi Thủy, Thu Thủy. Các phường thành lập mới và sáp nhập này sẽ đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của đô thị loại I.

TP Vinh được mở rộng không những là điều kiện thuận lợi mà còn là định hướng quan trọng để Nghệ An xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới

Trước đó, thông qua công tác đánh giá hiện trạng TP Vinh mở rộng, đồng thời đối chiếu với 63 tiêu chuẩn của đô thị loại I được quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tỉnh Nghệ An đánh giá TP Vinh đạt tiêu chí đô thị loại I với số điểm 81,84/100 điểm, trong đó 31 tiêu chuẩn đã đạt điểm tối đa theo quy định, 22 tiêu chuẩn đạt, 10 tiêu chuẩn chưa đạt.

Có thể thấy rõ, việc công nhận TP Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I sẽ góp phần đưa thành phố này trở thành đô thị xứng tầm là trung tâm văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả khu vực Bắc Trung Bộ nói chung.

TP Vinh được mở rộng không những là điều kiện thuận lợi mà còn là định hướng quan trọng để Nghệ An xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới, nhằm phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh hiện có như: Vùng đất có nhiều bậc vĩ nhân, nhà tư tưởng, danh nhân lỗi lạc, tài hoa của Việt Nam, những di sản hữu hình và vô hình cùng nguồn nhân lực dồi dào và đầy trí tuệ,…

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, phát triển các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; công nghiệp sẽ tạo bước đột phá phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao, thân thiện môi trường; phát triển nông nghiệp sạch, bền vững, ứng dụng công nghệ cao.

Hiện thực hóa Nghị quyết số 39

Được biết, Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị ban hành vào tháng 7/2023 cũng nêu rõ nội dung, đó là tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển TP Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung bộ.

Để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 39 đề ra, trong suốt thời gian qua, cả hệ thống chính trị TP Vinh đã cùng chung tay vào cuộc, chủ động tham mưu, phối hợp, hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính, kiến tạo không gian cho thành phố phát triển; kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với xây dựng, thực hiện chương trình phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, tập trung huy động mọi nguồn lực tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng số, nhanh chóng đưa TP Vinh trở thành động lực tăng trưởng, liên kết và lan tỏa phát triển định hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo chính của tỉnh Nghệ An và của vùng.

 Hạ tầng giao thông của TP Vinh mở rộng ngày càng trở nên đồng bộ, hiện đại góp phần tạo động lực để Nghệ An phát triển toàn diện về mọi mặt

Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm, tạo động lực để đột phá phát triển giao thông. Tập trung thu hút đầu tư, với cơ chế ưu đãi phù hợp để khai thác tốt tiềm năng biển Cửa Lò, phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển, du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Song hành với đó là chú tâm phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trong đó ưu tiên tập trung phát triển hệ thống giáo dục, y tế, sớm đưa TP Vinh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng thành phố thông minh, từng bước đưa TP Vinh trở thành thành phố ứng dụng công nghệ cao, trung tâm đổi mới – khởi nghiệp – sáng tạo của vùng và cả nước…