Nâng cấp đập tại Khu du lịch Hòn Mát (Nghĩa Đàn, Nghệ An): Bằng đất mỏ hay đất… hồ Hòn Mát?

203

Trước khi trở thành tâm điểm Khu du lịch sinh thái Hòn Mát ở miền Tây Nghệ An, hồ chứa nước Hòn Mát đã bị xuống cấp. Vì thế, năm 2019-2020 đã ra đời dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập Hòn Mát”. Nhưng sau đó rộ lên dư luận về sự khuất tất của hàng chục ngàn khối đất đắp đập để tạo nên hồ thủy lợi, hồ du lịch sinh thái mang tên Hòn Mát.

Toàn cảnh đập Hòn Mát

Năm 2014-2015, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT Nghệ An), viết tắt là Ban A, lập dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập hồ chứa nước Hòn Mát thuộc địa bàn xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn. Năm 2019 dự án khởi công, năm sau dự án hoàn thành đúng tiến độ. Giá trị xây lắp dự án hơn 15 tỉ đồng. Kinh phí từ vốn vay Ngân hàng thế giới (WB). Dự án do Ban A làm chủ đầu tư. Công ty CP Tây An thi công.

Đất đắp đập khai thác ở đâu?

Đập cũ vốn là một đập đất được xây dựng từ năm 1977 để lưu giữ nước từ 4 km2 lưu vực huyện miền núi Nghĩa Đàn, tạo nên hồ nước Hòn Mát rộng hơn 40 ha. Dự án nâng cấp nhằm đảm bảo mức độ an toàn hồ nước bằng cách kiên cố hóa đập đất Hòn Mát. Cụ thể, đắp rộng đập về phía thượng lưu 7-8m. Đắp cao đập trên nền đập cũ thêm 60cm. Mái đập phía thượng lưu được kiên cố bằng khung giằng bê tông cốt thép. Chân đập phía hạ lưu lát đá, trồng cỏ. Lòng đập được tôn cao bằng đất và lu, lèn đúng quy trình kỹ thuật.

Dung tích hồ Hòn Mát hiện tại có trữ lượng hơn 3 triệu m3 nước. Nguồn nước này không chỉ đủ phục vụ sản xuất cho 50-60 ha đồng ruộng của xã Nghĩa Lộc mà còn trở thành tâm điểm của Khu du lịch sinh thái Hòn Mát thuộc Công ty TNHH Dịch vụ & Du lịch Hòn Mát. Khu du lịch được du khách cả nước tặng bốn chữ “sơn thủy hữu tình” bên tuyến đường Hồ Chí Minh, cách Hà Nội 250 km, cách TP Vinh 80 km…

Dù đã trở thành nơi thu hút du khách nhưng dư luận vẫn đang đặt câu hỏi về hàng chục ngàn khối đất đắp đập Hòn Mát và đê quai sanh là đất mỏ hay đất “thổ phỉ”? Hàng chục ngàn khối đất đắp đập được khai thác ở đâu? Theo đó, chi phí vận chuyển hàng ngàn khối đất này sẽ phụ thuộc vào địa điểm khai thác ở xa hay gần vị trí sửa chữa, nâng cấp an toàn đập Hòn Mát.

Chúng tôi tìm hiểu dư luận bắt đầu từ đơn vị thi công là Công ty CP Tây An. Ông Dương Trọng Thiết, Giám đốc công ty cho biết: “Thời điểm thi công, công ty đến mỏ đất được bàn giao cách vị trí đập 2 km thì mỏ đã khai thác gần hết. Công ty lấy một ít rồi đi xa thêm 2 km nữa, cũng thuộc xã Nghĩa Lộc để tìm nhưng không có mỏ đất nào được cấp phép.

Tại đây, công ty thuê đội xe tải, giao cho họ hơn 200 triệu đồng để “làm việc” với nhà dân có đất và làm chi phí khai thác, vận chuyển. Đội xe đã vận chuyển 16.000m3 về đắp thân đập chính và khoảng 10.000m3 làm đê quai sanh. Trước khi khai thác, công ty đã thuê thí nghiệm đất này và báo cáo Ban A”. Vậy, việc khai thác khối lượng đất lớn trong nhà dân có được chủ nhà xác nhận bằng văn bản không, chúng tôi nêu câu hỏi để xác minh vị trí, nguồn gốc hàng chục ngàn khối đất được khai thác. Ông Thiết cho biết: “Không”.

Trong lúc đó, ông Nguyễn Thành Vinh, cán bộ Ban A, chịu trách nhiệm giám sát thi công đập Hòn Mát, đưa ra thông tin khác hẳn ông Thiết. Ông Vinh nói: “Đất đắp đập được khai thác ở mỏ đất Khe Sài cách vị trí đập 3 km, thuộc địa bàn xã Nghĩa Lộc. Mỏ đất Khe Sài do đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn & Xây dựng thủy lợi Nghệ An (trụ sở tại số 6 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh) bàn giao.

Ông Vinh cho biết thêm một thông tin khác: “Công ty CP Tư vấn & Thiết kế làm việc với xã. Xã cho khai thác, dự án không mất tiền mua đất, chỉ trả tiền múc đất và vận chuyển rồi lu, lèn đập. Chi phí cho những phần việc này hơn 900 triệu đồng”.

Không thể biết nhà thầu họ lấy đất ở đâu

Do hai thông tin sai lệch nhau nên chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Hào, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An (ông Hào nguyên giám đốc Ban A, thời điểm thi công dự án đập Hòn Mát). Ông Hào cũng khẳng định: “Dự án chỉ chi tiền múc đất, vận chuyển 3 km và lu, lèn đập. Chi phí gần 1 tỉ đồng. Khi có dư luận về nguồn gốc đất khai thác, tôi đã hỏi anh em giám sát thi công. Anh em nói “công trình làm chuẩn, không có ai tư hữu cá nhân””.

Chúng tôi nêu tiếp những câu hỏi: Vì sao dự án thi công một cái đập nhưng lại có hai thông tin trái ngược nhau về vị trí khai thác đất? Thông tin từ nhà thầu nói, “đất khai thác trong vườn nhà dân, cách đập 4 km”. Thông tin ông Vinh, cán bộ giám sát thi công nói, “đất khai thác ở mỏ Khe Sài, cách đập 3 km”.

Ông Hào không khẳng định vị trí đất được khai thác để đắp đập lấy ở mỏ Khe Sài (cách đập 3 km) hay trong vườn nhà dân (cách đập 4 km). Ông chỉ nói chung chung: “Hai vị trí đó cũng cách đập khoảng 3-4 km”. Vì sao chủ đầu tư không xác định được đất thi công dự án khai thác ở đâu, liệu hai địa điểm nêu trên có phải là “địa chỉ ảo”, còn nhà thầu có thể sử dụng đất tại một nơi khác, ví như họ lấy đất trong lòng hồ Hòn Mát cho gần vị trí đắp đập?

Bởi khoảng cách từ nơi đất được khai thác đến nơi đắp đập liên quan tới dự toán chi phí vận chuyển của hàng chục ngàn khối đất, đưa giá trị xây dựng đập nước Hòn Mát lên gần 6.6 tỉ đồng (chi phí xây dựng trước thuế)? Nếu đất lấy trong lòng hồ Hòn Mát, chi phí nêu trên giảm dưới 1 tỉ đồng so với chi phí vận chuyển 3 km. Theo đó, đất lấy trong lòng hồ Hòn Mát cũng là một dạng đất “thổ phỉ” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng?

Ông Hào khất hẹn “để kiểm tra” rồi sẽ trả lời. Đến lần thứ ba, ông nói kiểu xuề xòa: “Tôi ở cơ quan tại thành phố Vinh nên không thể biết nhà thầu họ lấy đất ở đâu trên xã Nghĩa Lộc. Mong được tạo điều kiện cho anh em làm việc?!”. Chúng tôi cần biết chính xác những thông tin vừa nêu trên nhưng ông Hào nói, “không nhớ chi tiết nữa vì dự án thi công đã lâu”.

Chúng tôi cần tham khảo hồ sơ Dự toán chi tiết của dự án để biết chi phí vận chuyển hàng chục ngàn khối đất từ đâu đến đập nhưng ông Hào cho biết: “Công an huyện Nghĩa Đàn đang tạm quản lý toàn bộ tài liệu liên quan đến dự án về đập Hòn Mát”.

Công an vào cuộc

Theo tư liệu của chúng tôi, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Công an huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang tiến hành điều tra, xác minh đơn thư phản ánh về công trình hồ chứa nước và đập Hòn Mát. Hiện Công an đã thu thập tất cả các tài liệu liên quan đến dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập Hòn Mát” do Công ty CP Tây An thi công.