Nghệ An: Sẽ mở rộng địa giới 6 thị trấn thuộc 6 huyện

99

Nghệ An dự kiến sáp nhập 1-2 xã nông thôn vào 6 thị trấn trên địa bàn tỉnh, mở rộng không gian và phát triển, nâng cấp tiêu chuẩn đô thị theo quy hoạch chung.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025, Nghệ An có 94 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp; trong đó có 16 đơn vị được sắp xếp, sáp nhập giữa các đô thị thị trấn và các đơn vị nông thôn.

Việc sắp xếp, sáp nhập các xã vào thị trấn được tính toán trên cơ sở các đơn vị thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 khi có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn (quy định tại Nghị quyết số 35, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); đồng thời nghiên cứu vị trí địa lý, lịch sử, văn hoá và sự phát triển của các đơn vị hành chính liền kề có tính tương đồng.

Việc sắp xếp, sáp nhập các xã vào thị trấn nhằm điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu quy hoạch mở rộng không gian địa giới hành chính và phát triển đô thị của các thị trấn theo quy hoạch chung của tỉnh.

Cụ thể, 6 thị trấn được mở rộng như sau:

Thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu): Nhập thêm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số xã Quỳnh Hồng, cùng một phần thôn 1, xã Quỳnh Hưng và một phần thôn 7, xã Quỳnh Bá. Sau sắp xếp, thị trấn Cầu Giát sẽ có quy mô diện tích tự nhiên từ 2,89 km2, tăng lên 7,89 km2 và quy mô dân số từ 11.655 người lên 21.886 người.

Thị trấn huyện Thanh Chương

Thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông): Nhập thêm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Bồng Khê và thôn Tiến Thành, xã Chi Khê để lấy tên mới là thị trấn Trà Lân. Sau sắp xếp, thị trấn Trà Lân có diện tích tự nhiên từ 1,87 km2 lên 33,80 km2 và dân số từ 5.984 người lên 13.704 người.

Thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương): Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 2 xã Thanh Đồng, Thanh Lĩnh và sau sắp xếp lấy tên thị trấn Dùng. Sau sắp xếp, thị trấn Dùng có diện tích tự nhiên từ 6,54 km2 lên 19,85 km2 và quy mô dân số từ 11.374 người lên 23.672 người.

Thị trấn Diễn Châu (huyện Diễn Châu): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Diễn Thành, thành thị trấn Diễn Thành, với quy mô diện tích tự nhiên tăng sau sáp nhập, từ 0,82 km2 lên 6,50 km2 và quy mô dân số từ 7.468 người lên 14.137 người (đạt tỷ lệ 176,71%).

Thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn): Được mở rộng địa giới hành chính và quy mô dân số trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Thạch Sơn, thành thị trấn Kim Nhan. Sau sắp xếp, thị trấn được mở rộng, từ 2,62 km2 lên 7,92 km2 và quy mô dân số từ 6.248 người lên 9.908 người.

Thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành): Được nhập toàn bộ diện tích, quy mô dân số xã Hoa Thành, thành thị trấn Hoa Thành sau sáp nhập. Đồng thời, sau sắp xếp, thị trấn Hoa Thành được mở rộng diện tích tự nhiên từ 2,61 km2 lên 6,09 km2 và quy mô dân số 5.774 người lên 11.500 người.

Thị trấn huyện Anh Sơn

Với mục tiêu mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị của các thị trấn, Sở Xây dựng đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng loạt các thủ tục quan trọng. Cụ thể, các địa phương đã khẩn trương lập điều chỉnh các quy hoạch đô thị, xây dựng chương trình phát triển đô thị (theo quy hoạch mới được điều chỉnh) và đồng thời lập đề án công nhận đề án phân loại đô thị loại V đối với thị trấn sau sáp nhập được mở rộng.

Việc đẩy mạnh thực hiện song song các thủ tục này được thúc đẩy bởi trình độ phát triển tương đồng của các xã dự kiến được sáp nhập vào thị trấn thuộc 6 huyện. Nhờ đó, việc mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

Tính đến ngày 26/4/2024, 5 địa phương đã hoàn thành các nội dung, quy trình thuộc cấp huyện và được Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND phê duyệt đề án đề nghị công nhận đô thị đạt loại V đối với 5 thị trấn sau khi sáp nhập các xã để mở rộng: Thị trấn Con Cuông, thị trấn Diễn Châu, thị trấn Thanh Chương, thị trấn Yên Thành và thị trấn Cầu Giát. Riêng thị trấn Anh Sơn, hiện huyện đã trình HĐND huyện thông qua đề án đề nghị công nhận thị trấn Anh Sơn (mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại V, làm cơ sở trình Sở Xây dựng thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh việc tập trung hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo kịp thời thực hiện công tác sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 ở các thị trấn có sáp nhập các xã nông thôn, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các thủ tục quy hoạch, lập chương trình phát triển. Đây là cơ sở để tập trung đầu tư xây dựng khu vực nông thôn sau sáp nhập, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí đô thị, đồng thời nâng cao chất lượng và trình độ phát triển đô thị lâu dài.