Mảng kinh doanh bán lẻ Nghệ An có dấu hiệu “hụt hơi”?

95

Sau quãng thời gian phục hồi ngắn nhờ sự bội chi của người dân cho các dịch vụ giai đoạn đầu năm, thị trường bán lẻ trên địa bàn có dấu hiệu “hụt hơi” khi lượng cầu tiêu dùng giảm…

Người tiêu dùng Nghệ An thắt chặt chi tiêu, không mặn mà với những mặt hàng không thiết yếu

Hiện nay, giới chuyên gia kinh tế Nghệ An đang lo ngại, nhu cầu tiêu dùng suy yếu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trên lĩnh vực bán lẻ nội địa.

Báo cáo của Cục Thống kê Nghệ An mới đây cho thấy, sau 2 tháng đầu năm tăng mạnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của tỉnh bắt đầu trở lại giá trị thực khi sụt giảm 0,44% so với cùng kỳ tháng trước.

Cụ thể, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đóng góp vào GDP tỉnh có chỉ số giá giảm, bao gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,43%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,71%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,18%; thiết bị và đồ dùng gia đình, giao thông đồng thời giảm 0,04% và bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Nguyên nhân được ngành này lý giải rằng, tháng 3/2024 là tháng sau Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân giảm, giá cả lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, các loại đồ uống và dịch vụ giao thông công cộng giảm.

Tương tự, số liệu vừa công bố cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính riêng trong tháng 3/2024 trên địa bàn ước đạt hơn 10.506,7 tỷ đồng, giảm 9,25% so với tháng trước; trong đó, đáng chú ý là mảng bán lẻ hàng hóa chỉ ước đạt doanh thu khoảng gần 8.400 tỷ đồng, giảm 5,93% so với cùng kỳ tháng 2/2024.

Điều này được cho là rất dễ hiểu, phản ánh đúng nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay khi trước đó liên tiếp hứng chịu nhiều đòn đánh “kép” thời kỳ hậu Covid-19 và sự suy thoái kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài vừa qua.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang lo ngại rằng, tình trạng người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua mang tính nhỏ giọt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.

Qua trao đổi, đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn cho biết, mặc dù địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng, vậy nhưng, sức mua của người dân ở thời điểm hiện nay vẫn mang tính nhỏ giọt.

Nhiều cửa hàng bán lẻ ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An ế ẩm, sang nhượng lại mặt bằng kinh doanh

“Đối với một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các loại mặt hàng điện máy: Tivi, điều hòa, tủ lạnh,… như chúng tôi, từ đầu tháng 3 cho đến giữa tháng 4 vừa qua là giai đoạn mà công ty có hoạt động kinh doanh thấp điểm nhất khi đơn hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay” vị này ngán ngẩm nói.

Còn ở góc độ người tiêu dùng, chị Cao Thị Thùy Dung ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ: Thời buổi kinh tế khó khăn cộng với mức lương thấp khiến gia đình chúng tôi phải thắt chặt hầu bao, tăng cường tiết kiệm sau khoảng thời gian bùng nổ chi tiêu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

“Chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện nước là rất lớn, do vậy, ngay từ bây giờ, chúng tôi phải giảm bớt việc mua sắm những sản phẩm không thiết yếu để cân đối chi tiêu” bà chị Dung cho biết thêm.

Có thể thấy rõ, nếu như mảng kinh doanh thu bán lẻ sụt giảm đồng nghĩa với nền kinh tế địa phương sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy trì trệ, chậm đà hồi phục; bởi vậy, các doanh nghiệp cần sớm có các động thái mới để kích cầu tiêu dùng.

Trong đó, gia tăng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm để cải thiện sức mua từ người tiêu dùng là giải pháp được nhiều đơn vị bán lẻ áp dụng. Đơn cử như mới đây, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Giải Pháp Xanh tung loạt loạt gói khuyến mãi như giảm giá sâu các loại mặt hàng điện máy: Điều hòa, ghế massage, bếp điện, bếp từ,… từ 10 – 30%.

“Thông qua những hoạt động khuyến mãi, kích cầu mạnh tay, chúng tôi kỳ vọng doanh thu bán lẻ sẽ bùng nổ hơn trong những tháng tới đây” bà Phạm Thị Thơ, đại diện doanh nghiệp này cho biết.