Không tham gia mua gói bảo hiểm thì sẽ rơi vào hoàn cảnh phải chi trả lãi suất cao hoặc gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giải ngân vốn vay từ các ngân hàng thương mại…
Đây là vướng mắc mà rất nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đã gặp phải mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần ban hành các văn bản đốc thúc, chỉ đạo, giám sát vấn đề này nhưng tình trạng vay vốn ngân hàng theo hình thức “bia kèm lạc” vẫn còn xảy ra.
Khốn khổ vì phải “mua bia kèm lạc”
Mỗi lần làm hồ sơ vay vốn là các nhân viên của một số ngân hàng thương mại (NHTM) lại gợi ý, thậm chí yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ đi kèm từ 15 đến hàng chục triệu đồng/năm. Điều này không chỉ thêm gánh nặng cho khách hàng (người đi vay) mà còn gây ra nhiều phát sinh tài chính không đáng phải bỏ trong việc cân đối sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… Nếu từ chối thì khách hàng sẽ bị gây khó đủ đường như phải vay lãi suất cao, thủ tục giải ngân kéo dài thời gian hoặc thậm chí sẽ bị từ chối giải ngân.
“Năm trước, gia đình tôi có dự định đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng nên cần số vốn 700 triệu đồng với lãi suất 0,7%/tháng bằng việc thế chấp bìa đất. Đây là mức lãi suất cũng dễ thở để gia đình có thể dễ dàng trang trải chi phí. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ vay vốn, tôi được nhân viên ngân hàng thông báo phải mua gói bảo hiểm nhân thọ 15 triệu đồng/năm mới có thể giải ngân được.
Đây là số tiền không nhỏ với gia đình trong hoàn cảnh không thể tìm nguồn vốn nào khác để đầu tư. Vì rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan nên không còn cách nào khác phải chấp nhận mua thêm gói bảo hiểm trên đi kèm trong khi gia đình không hề có nhu cầu” – ông Trần Sơn, một hộ kinh doanh ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An than phiền vì thêm gánh nặng do phải mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ khi tiếp cận các gói vay tín dụng
Còn một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An xin được giấu tên cũng bức xúc vì câu chuyện phải mua “bia kèm lạc” mỗi lần làm hồ sơ vay vốn tín dụng. Vì cần số vốn lớn lên tới hàng chục tỷ đồng nên ngoài việc thế chấp tài sản, doanh nghiệp này phải mua hàng chục gói bảo hiểm tương tương với hàng chục gói vay tín dụng ở nhiều NHTM khách nhau trên địa bàn.
“Chúng tôi không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ vì thực chất mỗi người trong gia đình chỉ cần tham gia 1 gói bảo hiểm là quá đủ. Vậy nhưng, khi không mua bảo hiểm đi kèm thì lập tức bị rơi vào trạng thái tiếp cận gói vay vốn với lãi suất cao, tăng phí cam kết rút vốn trước hạn hoặc điều tiết nhỏ giọt hạn mức vay vốn…
Doanh nghiệp chúng tôi xác định mỗi lần mua bảo hiểm vậy là bỏ bảo hiểm đó luôn, không có nhu cầu đóng phí các năm tiếp theo vì không cần thiết vào mục đích gì cả. Trong các năm qua, doanh nghiệp cũng đã phải chi không ít tiền mua bảo hiểm nhưng không mang lại tác dụng gì, chỉ NHTM và công ty bảo hiểm là có lợi. Thời gian qua, dù biết NHNN đã nhiều lần chấn chỉnh tình trạng vay vốn ngân hàng phải mua kèm bảo hiểm nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà chỉ như muối bỏ bể” – doanh nghiệp này bức xúc cho biết.
Nghiêm cấm ngân hàng ép mua bảo hiểm
Để tạo đòn bẩy về tài chính, hầu hết người dân và doanh nghiệp bắt buộc phải tiếp cận các gói vay tín dụng từ hệ thống các NHTM. Có như vậy, họ mới có thể tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh và có dòng tiền để duy trì hoạt động của doanh nghiệp mà mình đang vận hành.
Và, với 02 lựa chọn phổ biến như hiện nay: Một là tiếp cận gói vay không có bảo hiểm thì lãi suất cao, giải ngân chậm hoặc là mua bảo hiểm thì sẽ được tiếp cận gói vay có lãi suất tốt hơn nên nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong khó khăn chồng chất.
Trước tình trạng ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động ngân hàng, NHNN Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến về hoạt động bảo hiểm, ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, đồng thời yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN thực hiện hiệu quả công tác rà soát, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm qua các đường dây nóng của NHNN trên toàn hệ thống.
Mới đây, tại văn bản trả lời kiến nghị của Hội doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Nghệ An vào ngày 17/10/2023 cũng nêu rõ: NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An đề nghị Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp thành viên phối hợp cung cấp thông tin khi phát hiện có tình trạng ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm (thông tin cụ thể về ngân hàng có hành vi ép khách hàng, bằng chứng).
NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN thực hiện hiệu quả công tác rà soát, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm qua các đường dây nóng của NHNN trên toàn hệ thống
Và, trên cơ sở thông tin cung cấp từ phía hội và các doanh nghiệp thành viên, NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An sẽ có những chỉ đạo xử lý kịp thời, phù hợp; qua đó góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng khi vay vốn tại ngân hàng.
“NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động đường dây nóng, tiếp nhận và chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành ngân hàng trên địa bản xử lý kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp phản ánh qua đường dây nóng, trong đó có các kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm” – ông Đoàn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An nêu rõ tại văn bản số 1151 gửi Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An vào ngày 17/10/2023.
Văn bản chỉ đạo từ NHNN Việt Nam và chi nhánh NHNN ở các địa phương là vậy nhưng tình trạng nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An nói riêng và khu vực miền Trung nói chung vẫn bị rơi vào cảnh phải mua bảo hiểm trong hoàn cảnh không mong muốn vẫn còn diễn ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tình trạng không ít doanh nghiệp hiện nay đang phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” chưa thể giải quyết, xử dứt điểm vì nhiều lý do “nhạy cảm” nêu trên trong việc tiếp tục tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng từ hệ thống các NHTM.