Theo các nạn nhân, người tiêu thụ tiền giả thường đi vào buổi tối, thời điểm các cửa hàng gần đóng cửa hoặc có ít người đến mua.
Những ngày gần đây, tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã ghi nhận một số trường hợp một thanh niên ăn mặc sang trọng, dùng tiền giả có mệnh giá 500.000 đồng để mua hàng hóa.
Trường hợp đầu tiên được phát hiện tại cửa hàng của chị Lê Thị Thanh Phấn (trú TP Tuy Hòa).
Lúc này, một thanh niên đi xe tay ga đến để mua một sản phẩm có trị giá 110.000 đồng, thay vì chỉ đưa 500.000 đồng để nhận lại tiền thừa thì thanh niên này đưa cho chị Phấn 520.000 đồng và nhận lại 410.000 đồng.
2 tờ tiền giả có mệnh giá 500.000 đồng được phát hiện tại TP Tuy Hòa (Ảnh: Linh Nguyễn).
“Khi thanh toán, người này đưa một tờ 500.000 đồng và một tờ 20.000 đồng. Mục đích là dùng tờ 20.000 đồng để che tờ 500.000 đồng giả đi. Mình nhận tiền cũng không nghi ngờ gì và trả lại cho thanh niên này 410.000 đồng. Một lúc sau, khi thấy đồng tiền nhàu nát khi bị vò, thì mình mới biết đó là tiền giả” – chị Phấn kể lại.
Cửa hàng bỉm sữa của chị Trần Thị Ngọc cũng gặp trường hợp tương tự. “Người này tỏ ra rất am hiểu các mặt hàng bỉm sữa và hỏi mình rất nhiều giống kiểu “thao túng tâm lý” ấy. Sau đó mới đưa 2 tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng và 20.000 đồng yêu cầu mình trả lại tiền thừa. Nhận được tiền thật, người này rời đi nhanh chóng”, chị Ngọc nói.
Cũng theo các nạn nhân, người tiêu thụ tiền giả thường đi vào buổi tối, thời điểm các cửa hàng gần đóng cửa hoặc có ít người đến mua.
Công an tỉnh Phú Yên đã vào cuộc điều tra, làm rõ người sử dụng tiền giả.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân hết sức lưu ý đến những đặc điểm bảo an để phân biệt tiền thật, tiền giả của các loại tiền mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố khi phát hành.
Khi phát hiện các tờ tiền nghi tiền giả, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng.
Cách nhận biết tiền giả, tiền thật
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để phân biệt tiền giả và tiền thật có thể sử dụng các phương pháp sau đây:
Soi tờ bạc trước nguồn sáng; Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm); Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, hình ẩn nổi); Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn); Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).
Một đặc điểm khác cần lưu ý là chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc.
Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, lấy tờ tiền thật cùng loại so sách tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an theo các bước nêu trên. Lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay tiền giả.