Cả khu phố xin giảm án cho người đàn ông giết vợ

256

Đây là tình tiết được luật sư của bị cáo nêu ra tại phiên toà và được HĐXX ghi nhận, xem xét khi lượng hình đối với người đàn ông giết vợ.

Ngày 26-9, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm Huỳnh Quang Đạt (SN 1966, ngụ TP HCM) về tội “Giết người”. VKS truy tố người này ở khung hình phạt từ 7-15 năm tù.

Cáo trạng thể hiện, ông Đạt có vợ là bà U. (SN 1968) bị bệnh nặng, nằm điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (TP HCM). Nằm cùng phòng với vợ ông Đạt là một bệnh nhân không còn nhận thức.

Hơn 7 giờ ngày 4-11-2021, ông Đạt mua dây điện về, đưa bà U. cầm một đầu, đầu còn lại cắm vào ổ điện. Khoảng 4 giây thì ông Đạt thấy bà U. nằm im nên tháo phích cắm điện ra khỏi ổ, cột hai đầu dây vào cổ tay mình rồi cầm chuôi cắm điện gắn vào ổ khoảng 5 phút để tự tử. Ông này lặp đi lặp lại khoảng 5 lần nhưng không chết.

Bị cáo Đạt tại phiên xét xử.

Lúc này, người chăm sóc bệnh nhân cùng phòng đi đóng viện phí về thấy nên truy hô, ngắt cầu dao, phá cửa vào cứu ông Đạt.

Theo bản kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y (Sở Y tế TP HCM), bà U. chết do chạm điện.

Tại toà, HĐXX yêu cầu ông Đạt khai báo vụ việc thêm lần nữa. Bị cáo phân trần mình và vợ đã cùng lên kế hoạch chết cùng nhau.

Ông Đạt kể năm 2006, vợ ông bị tai biến nặng, không còn khả năng lao động trong khi con trai duy nhất của hai vợ chồng mới 8 tuổi. Ông làm nghề thợ mộc nhưng thường xuyên phải nghỉ làm để chăm sóc cho vợ, con nên bị chủ đuổi việc. Ông Đạt chuyển sang buôn bán nhỏ để kiếm tiềm lo cho gia đình và người cha vợ (SN 1940) mất một chân.

Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, cả gia đình ông đều nhiễm bệnh, mỗi người được đưa đi cách ly mỗi nơi. Một thời gian sau, khu cách ly nơi vợ ông nằm báo cho ông đến đưa bà về để điều trị vật lý trị liệu vì bà đã bị liệt cả hai chân, đôi tay thì rất yếu. Sau khi mắc Covid-19, bà U. còn phải chạy thận để giữ tính mạng.

Trong gần 4 ngày nằm bệnh viện để tập vật lý trị liệu sau Covid-19, ông Đạt đóng hơn 10 triệu đồng, là toàn bộ khoản tiền ông tích cóp cộng thêm phần tiền gia đình hai bên nội – ngoại giúp đỡ.

Ông vừa chăm sóc vợ vừa động viên vợ: “Em ráng khỏe cho anh mừng chứ anh khổ quá”. Bà U. thì thường xuyên đòi chết để bớt đau đớn. Một lần, hai vợ chồng đã ngoắc tay nhau hứa sẽ cùng chết để giải thoát khỏi cảnh khổ.

Sáng hôm xảy ra vụ việc, ông mua đồ ăn sáng về nhưng vợ không ăn cứ liên tục trách ông không thực hiện lời hứa cùng chết nên ông này đã làm thật.

Tại toà, con trai ông Đạt mong được tòa án xem xét, giảm nhẹ hình phạt để cha sớm về với gia đình. Con trai bị cáo nói: “Chuyện mẹ chết nhưng ba còn sống, ba tôi không muốn đâu. Ba đã muốn được giải thoát cùng mẹ. Hơn 15 năm qua, một mình ba cực khổ nuôi tôi ăn học, nuôi mẹ bệnh và ông ngoại thương binh nhưng ba đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, không lời than vãn. Kính mong HĐXX xem xét cho ba sớm về với gia đình, với ông ngoại đã già yếu, ngày nào ngoại cũng trông ba về”.

Luật sư của bị cáo cho biết chính quyền địa phương nơi ông Đạt sinh sống xác nhận gia đình ông thuộc diện khó khăn. Đặc biệt, người dân khu phố nơi gia đình ông Đạt ở nhiều năm qua, dù không liên quan đến vụ án nhưng đã làm đơn thư xin HĐXX cứu xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông vì thương xót gia cảnh của bị cáo. Luật sư nói đây là điều rất hiếm thấy trong một vụ án gây hậu quả chết người, phần nào thể hiện được nhân cách của bị cáo.

Tình tiết này được HĐXX xem xét là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi lượng hình bên cạnh việc bị cáo ăn năn, hối cãi, thành khẩn khai báo, bị cáo có trình độ văn hóa thấp…

Về hành vi phạm tội của ông Đạt, HĐXX nhận định bị cáo là người trực tiếp cầm phích cắm điện làm cho bị hại bị điện giật chết. Xem xét vụ án, toà án đã tuyên phạt bị cáo Đạt mức thấp nhất của khung hình phạt là 7 năm tù giam về tội “Giết người”.