Sau chiến thắng đậm 4-2 PVF trong trận chung kết U15 quốc giia – Cúp Next Media 2022 diễn ra tại Pleiku, SLNA chính thức xác lập kỷ lục 4 lần vô địch giải đấu này. Trước đó, xứ Nghệ cũng đã thâu tóm cả U13 (lần thứ 9 lên ngôi), U11 (lần thứ 7) và U9 quốc gia trong năm 2022.
Không ngoa khi nói rằng, SLNA là “đại công xưởng” đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, trong quá khứ cũng như hiện tại.
Nói về bóng đá Nghệ An, nhiều thời điểm ở kỷ nguyên lên chuyên, họ có thể chia thành 3 đội bóng mạnh tương đương nhau, để có thể chinh chiến tại mặt trận V-League, nếu như tập hợp hết các cầu thủ gốc Nghệ đang thi đấu tại các CLB còn lại, ngoài SLNA. Cầu thủ Nghệ An không những đa mà còn tinh.
Người ta ví von rằng, đứa trẻ sinh ra trên mảnh đất Nghệ Tĩnh (cũ), biết đá bóng trước khi biết đọc, biết viết. Phong trào tập luyện đá bóng ở mảnh đất này luôn lên cao, nó bắt đầu từ những giá trị truyền thống và cả những tấm gương đi trước, với ước vọng đổi đời bằng công việc bóng đá.
Tại V-League 2022, SLNA tuy không được liệt vào hàng ngũ đại gia, nhưng là đội gần nhất và duy nhất có khả năng bám đuổi CLB Hà Nội. Suy rộng ra, ở cả các hệ thống bóng đá ngoài chuyên nghiệp (tức phong trào), Nghệ An cũng thắng thế.
Giải bóng đá sân 7 toàn quốc 2022, khu vực TP.HCM, Lam Hồng FC cũng đang so kè cùng Đạt Tín FC ở 2 vị trí dẫn đầu sau lượt trận thứ 9, cho 2 chiếc vé dự VCK VPL tại Hà Nội vào trung tuần tháng 9 tới. Trận “chung kết” giữa 2 đội bóng này ở buổi hạ màn (vòng 11), sẽ biết đâu là “đá”, đâu là “vàng”.
Lam Hồng FC (phải) tại Giải vô địch bóng đá sân 7 toàn quốc khu vực phía Nam. Ảnh: T.H
Cách đây đôi tháng, Hội đồng hương Nghệ An với nòng cốt các cầu thủ của Lam Hồng FC hiện tại, cũng đã lên ngôi vô địch giải Hội đồng hương toàn quốc 2022.
Nói về Lam Hồng FC, đấy thực sự là niềm tự hào của những người con Nghệ Tĩnh xa sứ. Đội bóng của bầu Thìn, của HLV Hữu Đông (còn gọi là Đông 37), không phải tập luyện cầu kỳ, mà cứ ráp đội hình vào là chiến đấu và chiến thắng.
Từ Quang Tình, đến Âu Văn Hoàn, Văn Nam, Tùng “xe đạp”, Chung “Tám”, “Messi Thanh Chương ” Kỳ “khỏn”…, không phân biệt cầu chuyên hay siêu phủi…, khi kết hợp lại chơi rất đồng điệu. Bởi họ có chung “một dòng máu” chảy trong huyết quản, với niềm tự hào bản địa bất tận.
Như Thể thao & Văn hoá đã đề cập, bóng đá trẻ, bóng đá học đường và bóng đá phong trào nói chung, chính là gốc rễ, là nguồn cội và là tương lai của nền bóng đá chuyên nghiệp. Trong hơn 2 thập niên qua, Nghệ An là số 1 không bàn cãi, bất kể những năm gần đây, có sự xuất hiện của Hà Nội, HAGL, PVF hay Viettel. Nên nhớ, kinh phí rót cho đào tạo trẻ của SLNA rất hạn chế.
Và, trong nhiều năm nữa, quân số đá chuyên nghiệp và các suất chơi các ĐTQG, phần đa vẫn là người Nghệ Tĩnh. Hãy học hỏi SLNA!