Chấm thi tốt nghiệp THPT 2022: Xuất hiện bài Văn đạt 9,5 điểm

894

Chấm thi luôn là khâu nhạy cảm nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Các địa phương đặt vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn ở khâu này lên mức cao nhất.

Hôm qua, Đoàn kiểm tra số 3 của Bộ GD&ĐT, do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn đầu, đã kiểm tra công tác chấm thi tại hai tỉnh Bắc Giang và Hòa Bình. Đoàn đã kiểm tra tất cả các nội dung của khâu chấm thi như khu vực rọc phách, khu vực chấm thi trắc nghiệm, tự luận, làm việc với Ban chỉ đạo thi của các địa phương.

 Kiểm tra chấm thi tại Hòa Bình. Ảnh: Nghiêm Huê

Hòa Bình quyết tâm không để sai lầm lặp lại

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, cho hay, công tác giao nhận bài thi hoàn thành lúc 20h ngày 8/7; Hội đồng thi cử cán bộ Ban thư ký cùng với công an trực bảo vệ bài thi 24/24h theo quy định. Các phòng chấm thi và bảo quản bài thi đều có camera an ninh giám sát (không có kết nối Internet) ghi hình toàn bộ hoạt động trong phòng. Ban chấm thi trắc nghiệm có 18 người, gồm 1 trưởng ban, 3 phó trưởng ban và 14 ủy viên.

Khu vực chấm thi trắc nghiệm được bố trí 1 khu vực riêng, bảo đảm an ninh, an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ 24 giờ/ngày. Bài thi được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm; bố trí 2 tủ chứa túi bài thi (đảm bảo an toàn, có khoá chắc chắn).

Dự kiến, Hòa Bình hoàn thành chấm thi trắc nghiệm ngày 20/7. Theo bà Tuyến, tổ chức chấm bài thi tự luận gồm 1 trưởng ban, 4 phó trưởng ban, 100 ủy viên. Thời gian chấm tự luận dự kiến từ ngày 12 đến 22/7 để kịp công bố điểm thi theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT vào ngày 24/7.

Đoàn kiểm tra đã góp ý những điểm cần khắc phục trong quá trình chấm thi tại Hòa Bình. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Thanh tra Bộ GD&ĐT, lưu ý các thành viên trong Hội đồng chấm thi cần làm đúng quy trình, giữ đúng vị trí.

Trao đổi với Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình, khẳng định công tác tổ chức thi, chấm thi được Hòa Bình triển khai rất nghiêm túc, đảm bảo an toàn, an ninh. Với những lưu ý của Đoàn kiểm tra, ông Chương yêu cầu Hội đồng chấm thi của tỉnh triển khai và rút kinh nghiệm ngay. Hòa Bình từng có “vết” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018; năm nay lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định quyết tâm không để sai lầm trong quá khứ lặp lại. Tỉnh quyết tâm không để sơ suất hay xảy ra sai sót trong công tác chấm thi.

Xuất hiện bài Văn đạt 9,5 điểm

Kiểm tra tại Bắc Giang, ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT, nói rằng, công tác chấm thi của địa phương được thực hiện từ ngày 11/7, nên triển khai ngay chấm kiểm tra để tránh tâm lý chủ quan của giám thị chấm thi. Bắc Giang huy động khoảng 200 thầy cô chấm thi môn Ngữ văn. Cần rút kinh nghiệm để chấm đều tay vì qua kiểm tra, có hiện tượng chênh nhau giữa các tay chấm 1 và tay chấm 2. Ông Khánh lưu ý, giám thị chấm thi cần sử dụng bút chấm thi theo quy định.

Bà Đào Thị Minh Hải, Phó Trưởng ban chấm thi tự luận, Hội đồng chấm thi Bắc Giang, cho biết, sáng 11/7, Ban tổ chức chấm chung theo quy định 10 bài thi Ngữ văn để thảo luận đáp án. Ban chấm thi tự luận đã thảo luận rất kỹ hướng dẫn đáp án để không gây khó khăn cho giám thị khi chấm bài. Kết quả chấm cho thấy, có 1 bài thi có dưới điểm trung bình (4,25 điểm), 3 bài đạt từ 5-7 điểm, 4 bài đạt từ 7-8 điểm và có một bài đạt 9,5 điểm.

Với bài thi 9,5 điểm, bà Hải cho biết, Ban chấm thi tự luận rất ấn tượng, thí sinh biết dùng một tác phẩm khác để so sánh làm bật lên giá trị của tác phẩm mà đề bài đã cho. Thí sinh này bị trừ 0,25 điểm ở phần 1 và 0,25 điểm ở phần 2 không phải vì thiếu ý mà do Ban chấm thi yêu cầu phải lấy ví dụ cao hơn so với đáp án.

Bà Hải cho biết, từ chiều 11/7, Ban chấm thi tự luận đã chấm riêng tại các tổ. Tại Hội đồng thi Bắc Giang có 668 túi bài thi Ngữ văn. Đến chiều 12/7, các tổ đã chấm tay 1 được 50% số túi bài thi (mỗi bài thi gồm 2 tay chấm từ 2 giám thị). Trong số này đã có 1 thí sinh bị điểm liệt (0 điểm).

Tại Hòa Bình, ngày 11/7, Ban chấm thi tự luận môn Ngữ văn tổ chức chấm chung 12 bài thi để thảo luận đáp án. Kết quả, bài cao nhất là trên 9 điểm, bài thấp nhất là 5 điểm. Ban chấm thi tự luận đã trao đổi, chấm đúng hướng dẫn biểu điểm, bám sát đáp án của Bộ GD&ĐT vì năm nay, hướng dẫn đáp án chấm của Bộ GD&ĐT tường minh, dễ chấm.

Trao đổi với Ban chỉ đạo thi các tỉnh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá các địa phương đã chỉ đạo nghiêm túc, kịp thời, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện và tổ chức tốt 2 ngày thi tốt nghiệp (7-8/7). Riêng về công tác chấm thi, ông Sơn ghi nhận nỗ lực đồng bộ của UBND các tỉnh, đề nghị Ban chỉ đạo thi tại tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc để từng cá nhân tham gia đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cơ sở được phân công nhiệm vụ rõ ràng, phát huy tốt năng lực chuyên môn, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ông bày tỏ mong muốn các địa phương sẽ hoàn thành chấm thi đảm bảo cả tiến độ và chất lượng.

Qua kiểm tra cho thấy, các hội đồng chấm thi cần rút kinh nghiệm một số vấn đề như cán bộ làm nhiệm vụ trong khu vực quên đeo thẻ, camera giám sát bị lệch thời gian so với thực tế…