Người phụ nữ rơi xuống vực sâu Yên Tử thuật lại chuyện sinh tồn trong 7 ngày

134
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, người bị rơi xuống vực 7 ngày ở Yên Tử, khẳng định: “Bản thân không có một lý do gì để tôi bịa ra chuyện này. Tôi kể ra câu chuyện sinh tồn ở dưới vực sâu trong 7 ngày để những ai có vào hoàn cảnh như tôi thì sẽ có ý thức sinh tồn”.

Sáng 4-5, bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, trú tại Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết bà không thể quên được 7 ngày chịu cảnh đói rét, sống trong tuyệt vọng dưới vực sâu 30 m ở núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh.

 Bà Liên sống sót sau 7 ngày ngã xuống vực sâu ở Yên Tử

Theo bà Liên, ngày 27-4, bà đi từ nhà xuống TP Hạ Long lấy thuốc và dự định thăm người bạn, nhưng sau đó không tìm thấy bạn. Vì chưa đi Yên Tử bao giờ, lại sẵn có xe buýt đến Yên Tử, nơi non thiêng nên bà quyết định đi để chiêm bái, lễ Phật.

“Trước đó, chồng tôi và tôi cũng hay đi chơi một vài ngày mà không báo nên tôi chủ quan nghĩ đi 1-2 ngày rồi về chứ không ngờ mọi chuyện lại như vậy” – bà Liên nói.

Bà Liên thuật lại bà tới Yên Tử lúc gần trưa. Bà ghé quán ăn cơm rồi mua vé cáp treo lên chùa Đồng. Trên đường đi xuống núi, thấy mệt nên bà ngồi nghỉ ngay sát lan can chùa Đồng. Khi đứng dậy, bà thấy chóng mặt, hoa mắt và bất ngờ ngã nhào xuống khu vực phía dưới.

“Lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trong một cái khe, đầu gối lên rễ cây, người nằm gọn trong khe đá. Người ướt hết, rất may đầu không sao. Khi đó nghe có tiếng người, định đứng lên kêu cứu thì tôi giẫm vào một túi rác và rơi tiếp xuống phía dưới, chân mắc vào khe đá. Sau đó, tôi lấy được chiếc túi mình mang đi theo trong đó có chai nước ít cơm cháy và chiếc kính” – bà Liên chia sẻ.

Bà Liên cho hay nói lúc đó bà nghĩ nếu càng cố leo lên sẽ càng nguy hiểm hơn nên cố gắng không để bản thân bị tụt sâu thêm xuống vực, tuy nhiên do sức nặng của cơ thể, bà tiếp tục bị rơi xuống sâu hơn.

Sau lần bị rơi thứ ba, bà Liên thấy một phiến đá khá rộng, có thể nằm được nên đã bám vào cây tre, cây trúc leo sang để quan sát và kêu cứu.

Theo bà Liên, thời điểm rơi xuống là lúc trời có sương mù và mưa nên không ai phát hiện ra. Chiếc túi mang theo có điện thoại và quần áo đã bị văng mất khi ngã xuống vực.

Khi rơi xuống, do mưa lớn nên quần áo, giày ướt sũng, cả người lạnh cóng. Rất may cạnh phiến đá có một bụi tre trúc nên bà tìm dây để kéo tán cây xuống trước mặt, tạo thành cái ô che phía trên. Sau đó, bà tìm túi nilon che chắn ở phía trước để gió mưa không tạt vào, lấy túi nilon che đầu, bọc vào người, hai bàn tay và chân để dùng nhiệt của cơ thể sưởi ấm, tránh để bị lạnh, đau bụng…

Để duy trì sự sống, bà Liên kể phải chia nhỏ gói cơm cháy để ăn dần, uống nước trong các chai bị vứt xuống trước đó và ăn cây ngải cứu rừng, lá rừng.

Bà Liên nói từ lúc rơi xuống đã không ngừng kêu cứu nhưng không thấy ai đáp lời do lúc này có mưa và gió to. Ngoài ra, bà cũng tìm được một số đồ vật có thể tạo âm thanh như miếng sắt, hòn đá để vừa gọi vừa gõ nhưng mãi không ai nghe và tìm cách tạo lửa nhưng không được.

“Dù có phần hoảng nhưng nghĩ lại trước ranh giới sống chết thì cứ cố gắng bảo toàn tính mạng và tìm mọi cách để có thể sinh tồn. Trước khi được phát hiện, tôi nghĩ nếu như kêu cứu vô vọng, thì mình phải tìm cách để thoát khỏi vực sâu. Tôi nghĩ không thể đầu hàng được mà phải trở về với chồng con” – bà Liên nói.

May mắn đã tới khi sáng sớm ngày 3-5, lúc tỉnh dậy, bà Liên lại tiếp tục gõ, gọi và một cán bộ ban quản lý nghe thấy.

Bà Liên khẳng định bản thân không hề bịa đặt ra câu chuyện bởi vé cáp treo vẫn còn và ban quản lý tra lại đúng ngày 27-4. “Bản thân không phải người khổ tu, hành thiền, không có một lý do gì để tôi bịa ra chuyện này. Tôi kể ra câu chuyện sinh tồn ở dưới vực sâu trong 7 ngày để những ai có vào hoàn cảnh như tôi thì sẽ có ý thức sinh tồn” – bà Liên nói.

Ông Nguyễn Minh Thuận, nhân viên Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, cho biết ông được giao nhiệm vụ canh gác trên đỉnh An Kỳ Sinh của núi Yên Tử.

Sáng ngày 3-5, đi ra khu vực cách chùa Đồng khoảng 50 mét về phía Tây Nam để kiểm tra công tác dọn vệ sinh thì ông nghe thấy tiếng phụ nữ kêu cứu.

 Bà Liên dùng túi nilon, áo mưa trùm vào người để tránh muỗi, mưa rét

 Khu vực nơi bà Liên bị rơi xuống ở đỉnh Yên Tử

“Lúc đầu chưa xác định được tiếng kêu ở đâu nên anh em chúng tôi bủa đi tìm xung quanh. Đến gần vực gần hàng rào ngăn cách với vực đá phía dưới, tiếng kêu ngày một rõ hơn. Khi xác định được vị trí, tôi cùng nhóm cứu hộ thả dây thừng xuống dưới vách đá. Hai người trực tiếp xuống dưới vực để tìm kiếm nạn nhân và kéo lên phía trên. Lúc được kéo lên, bà Liên vẫn tỉnh táo, trong người giữ vé cáp treo và vé tham quan Yên Tử ghi ngày 27-4” – ông Thuận nói.

Cũng theo ông Thuận, khu vực bà Liên bị ngã xuống đã được cắm biển báo vực sâu nguy hiểm để cảnh báo đến du khách không lại gần.

Ngoài ra, một hàng rào từ sau chùa Đồng dọc theo vách đá và kéo dài đến quảng trường An Kỳ Sinh được lắp đặt để đảm bảo an toàn cho du khách đi hành hương.

Ông Hoàng Phúc Khánh (65 tuổi), chồng bà Liên, cho biết trước khi gặp nạn vợ ông vẫn thường đi vài ngày. Từ sáng 24-4, bà Liên đi xe máy màu vàng ra khỏi nhà và từ đó không thấy về, điện thoại không liên lạc được. Hai ngày sau, ông Khánh viết đơn trình báo gửi công an và ban quản lý tòa nhà nơi cư trú, đồng thời thông báo tìm kiếm khắp nơi. Đến 10 giờ sáng 3-5, ông nhận được điện thoại bà Liên đã gặp nạn ở Yên Tử và may mắn được cứu thoát.