Sắp giảm 50% thuế cho hộ và cá nhân kinh doanh ở mọi ngành nghề, lĩnh vực

248

Cùng với các giải pháp đang tiếp tục thực hiện từ năm 2020, tổng gói hỗ trợ tiếp theo Bộ Tài chính đang đề xuất khoảng trên 20.000 tỷ đồng.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối nay (11/8).

Hỗ trợ thuế, phí tới 118.000 tỷ đồng

Theo ông Chi, trong năm nay, các khoản hỗ trợ thuế, phí lên đến 118.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng rà soát và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định một số giải pháp.

Cụ thể, tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho những hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ, quy mô dưới 200 tỷ đồng; giảm các loại thuế cho các hộ kinh doanh và sản xuất kinh doanh dưới mọi hình thức kê khai thuế, dự kiến giảm khoảng 50%.

Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 (như giao thông, kinh doanh lưu trú, du lịch…); miễn tiền chậm nộp thuế đối với người nộp thuế đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh; giảm tiền thuê đất…

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Năm nay, các khoản hỗ trợ thuế, phí lên đến 118.000 tỷ đồng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Cùng với các giải pháp đang tiếp tục thực hiện từ năm 2020, tổng gói hỗ trợ tiếp theo Bộ Tài chính đang đề xuất khoảng trên 20.000 tỷ đồng.

Về tiến độ triển khai, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, sau đó tổng hợp ý kiến để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong phiên họp gần nhất.

Ngân hàng Nhà nước: Không có gói hỗ trợ 20.500 tỷ đồng

Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) về việc hạ các mức lãi suất. Trong năm 2020, NHNN đã hạ lãi suất điều hành, mức giảm trung bình khoảng 1,2-1,5%/năm. Trong 7 tháng vừa qua, lãi suất đã giảm thêm khoảng 0,5%.

Theo ông Tú, trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại các địa phương và các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng và thiết yếu đối với doanh nghiệp lúc này. Vì thế, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM vừa cắt giảm chi phí hoạt động tối đa để tạo điều kiện giảm lãi suất và chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất đã đồng thuận và cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất tiếp cho các nhóm đối tượng trên tinh thần “khó khăn ít thì giảm ít, khó khăn nhiều thì giảm nhiều”. Các NHTM đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỷ đồng.

Cuộc họp báo đưa ra thông tin về nhiều chính sách hỗ trợ với người dân, doanh nghiệp (Ảnh: Đoàn Bắc).

“Vừa qua có thông tin về việc NHNN đưa ra gói hỗ trợ 20.500 tỷ đồng, tôi cũng xin đính chính là không có gói này; chủ yếu là các NHTM công bố lãi suất sẽ giảm và bằng các phương pháp giảm khác nhau, tùy theo quy mô điều kiện của mỗi ngân hàng” – ông Tú cho hay.

Cũng theo ông Tú, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng thuận và nhất trí sẽ giảm lãi suất vay thêm khoảng 1.000 tỷ đồng. Tổng cộng 4 ngân hàng sẽ giảm thêm 4.000 tỷ đồng cho một số địa phương như TPHCM, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16. Bên cạnh việc giảm lãi suất này, 4 ngân hàng cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương này.

Phó Thống đốc cho rằng, để đảm bảo giảm lãi suất một cách thực chất cũng như việc doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường việc giám sát việc giảm lãi suất này của các NHTM, đảm bảo từ nay đến cuối năm các cam kết này được thực hiện.